Thực hiện tinh giản bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, Đảng ủy xã Púng Bánh (Sốp Cộp) đã lãnh đạo chính quyền và nhân dân trong xã thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các bản, đảm bảo đúng quy mô diện tích, dân số, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
x
Nhân dân bản Kéo Hin, xã Púng Bánh họp thống nhất hương ước của bản mới.
Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập bản, Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các xã, rà soát thực tiễn địa phương, xây dựng kế hoạch sáp nhập theo các tiêu chí quy định; chọn các bản trước đây tách ra từ một bản, các bản thuận lợi về vị trí địa lý để lập danh sách sắp xếp, sáp nhập trong đợt 2 năm 2019. Theo đó, 6 bản: Nà Liền, Nghịu, Khá, Phiêng Ban, Kéo và Huổi Hin thực hiện sáp nhập. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã tổ chức phổ biến chủ trương của Đảng, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, huyện về tinh giản bộ máy, thông qua các hội nghị, lồng ghép trong các cuộc họp, giao ban cán bộ xã, các bản; thành lập đoàn công tác về các bản thuộc Đề án sáp nhập để tổ chức đối thoại, lấy ý kiến của nhân dân về việc lấy tên bản mới, bầu kiện toàn các chức vụ trong chi bộ, ban quản lý bản, các chi hội đoàn thể...
Qua rà soát, hai bản Kéo và Huổi Hin có nhiều thuận lợi trong việc sáp nhập, bởi vị trí địa lý khu dân cư, khu sản xuất liền kề nhau, thuận tiện sản xuất, kinh doanh; văn hóa cũng có sự tương đồng... vì vậy, 2 bản này được xã chọn sáp nhập trong đợt 2 năm 2019. Đề cập về việc sáp nhập bản, anh Vì Văn Toản, bản Kéo, cho biết: Trước khi sáp nhập, bản đã tổ chức 2 cuộc họp dân, thống nhất ý kiến về những lĩnh vực liên quan; bà con dân bản đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập, cùng quyết tâm xây dựng bản mới phát triển vững mạnh. Còn ở bản Khá và bản Nghịu, được sự đồng tình cao của nhân dân, ngày 18/7/2019, hai bản tiến hành sáp nhập thành bản Khá Nghịu, gồm 173 hộ, 859 nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên trên 3.100 ha. Ông Lò Văn Khương, Trưởng bản Khá Nghịu cho hay: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, việc sáp nhập nhận được sự đồng tình, ủng hộ của tất cả bà con dân bản. Băn khoăn nhất là nhà văn hóa bản hiện không đáp ứng được nhu cầu hội họp của hơn 173 hộ dân; quy ước của 2 bản cũng có một số điểm khác nhau. Để giải quyết những khó khăn phát sinh, Chi bộ đã phân công các đồng chí trong chi ủy sinh hoạt theo cụm dân cư phối hợp với Ban quản lý bản trao đổi, lấy ý kiến của nhân dân để xây dựng hương ước, quy ước của bản mới. Đồng thời, đề nghị cấp trên đầu tư nâng cấp nhà văn hóa bản...
Trao đổi với đồng chí Tòng Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã Púng Bánh về vấn đề này, được biết: Trước khi sáp nhập, xã có 1.647 hộ dân, 7.724 nhân khẩu, sinh sống tại 16 bản. Sau sáp nhập, giảm còn 13 bản, giảm 55 cán bộ không chuyên trách cấp bản, kinh phí chi trả phụ cấp giảm hơn 864 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã đang tổng hợp các kiến nghị của nhân dân các bản trong diện sáp nhập để đề xuất với huyện đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa, đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân phát triển kinh tế... Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý, các đoàn thể cấp bản, ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt tình; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách nghỉ việc. Đảng ủy chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ không chuyên trách ở các bản về nghiệp vụ, kỹ năng điều hành, xây dựng mối đoàn kết nhân dân; thu thập thông tin của người dân để thay đổi các thủ tục hành chính có liên quan...
Qua thực hiện sáp nhập bản, xã Púng Bánh rút ra kinh nghiệm là phải tuyên truyền, giải thích kỹ, cụ thể để nhân dân hiểu rõ chủ trương của việc sáp nhập, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng và phát triển bản mới...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!