Púng Bánh chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm qua, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống, tăng thu nhập của nhân dân.

Bãi chăn thả của nhân dân bản Pha Thóng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp).

Púng Bánh là xã có nhiều phiêng bãi, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở xã tập trung nhiều nhất ở các bản Khá, bản Nghịu, Nà Liềng, Phiêng Ban và bản Púng. Để phát huy lợi thế, bên cạnh việc tranh thủ sự đầu tư cho chăn nuôi từ các chương trình, dự án; ủy thác vay vốn qua ngân hàng,... xã còn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con phát huy lợi thế, điều kiện của địa phương để tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Năm 2018, xã đã mở 13 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho trên 600 người; sau khi tập huấn, nhiều người dân đã tự xây dựng mô hình để phát triển chăn nuôi, điển hình có anh Tòng Văn Trưởng, bản Huổi Hin đã phát triển đàn ngựa bạch 14 con với tổng số tiền đầu tư ban đầu gần 100 triệu đồng.

Anh Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Púng Bánh, thông tin: Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của các cấp, ngành, việc chăn nuôi gia súc ở xã trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư và phát triển, sản phẩm từ chăn nuôi xuất bán trong huyện và ra ngoài, qua đó góp phần thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình. Toàn xã hiện có 4.530 con đại gia súc, chủ yếu là trâu, bò, ngựa. Nhiều hộ đã tự trồng cây bông chít cho gia súc ăn, vì đây là loại cây có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với cỏ voi, dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, thời điểm này, toàn xã có trên 17 ha bông chít. Từ tháng 8 đến tháng 10, người dân ủ ướp rơm rạ, cây ngô, sắn tươi để dự trữ cho mùa khan hiếm thức ăn tự nhiên. Hầu hết đại gia súc của người dân đến thời điểm xuất bán đều có nhiều thương lái trong và ngoài huyện tìm đến mua hết. Năm 2018, toàn xã có tới 150 hộ thoát nghèo chủ yếu nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 12,8%.

Anh Tòng Văn Doản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Púng Bánh, cho biết: Toàn xã hiện có  trên 1.500 hộ nuôi đại gia súc, hộ nuôi nhiều nhất trên 60 con. Điển hình là các hộ ông Lèo Văn Minh, ở bản Khá có 40 con trâu bò, thu nhập 350 triệu đồng/năm; Tòng Văn Ngoán, ở bản Phải có 60 con trâu, bò, thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; Lò Văn Dịch, bản Phiêng Ban, có 30 con trâu, bò, thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Từ năm 2017 đến nay, từ nguồn vốn Chương trình 30a, xã được đầu tư 3 mô hình nuôi 70 con ngựa ở bản Khá, Huổi Cốp, Pha Thóng, với 600 triệu đồng/mô hình, đến nay đàn ngựa phát triển tốt. Năm 2016, từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Hội Nông dân tỉnh, xã cho 10 hộ dân vay đầu tư mô hình nuôi trâu sinh sản ở bản Phiêng Ban, đến nay đàn trâu từ 10 con đã tăng lên 27 con; năm 2017, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp cho 8 hộ ở bản Khá, Phiêng Ban vay 220 triệu đồng đầu tư nuôi 8 con ngựa, thời điểm này đàn ngựa đã tăng lên 25 con.

Tìm hiểu được biết, hơn 10 năm qua, toàn xã đã có 1.448 hộ vay trên 52 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách để phát triển chăn nuôi. Xã cũng là địa phương đứng đầu toàn huyện về vay vốn phát triển loại hình này mà không có nợ quá hạn, không có lãi tồn. Tuy nhiên, các dự án hiện cho vay chỉ 25-30 triệu đồng, với hạn trả trong 3 năm. Người dân mong muốn vay từ 50 triệu đồng trở lên, thời hạn tăng từ 5 năm trở lên để đàn gia súc có thời gian phát triển và mang lại lợi nhuận cho bà con. Hơn nữa, các dự án cho vay chỉ hỗ trợ tối đa 10 hộ nghèo, trong khi nhu cầu của bà con trong xã còn rất lớn, nhất là những hộ có khả năng phát triển chăn nuôi. Xã mong muốn các dự án hỗ trợ tăng nguồn vốn cho nhiều hộ vay để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc, tăng cao thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, để đàn gia súc phát triển ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, xã Púng Bánh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển chăn nuôi; chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thực hiện công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh; quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới