Sốp Cộp là huyện có nhiều xã vùng cao, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, ruộng nước canh tác ít, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nương rẫy trên đất dốc, dẫn đến tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Thêm nữa, nhu cầu sử dụng gỗ rừng tự nhiên trong nhân dân ngày càng tăng, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn.
Cán bộ kiểm lâm huyện Sốp Cộp kiểm tra, đối chiếu diện tích rừng trên bản đồ và thực địa.
Sốp Cộp hiện có 129.356 ha đất lâm nghiệp, trong đó, có 67.793 ha đất có rừng. Hằng năm, các cơ quan chức năng huyện Sốp Cộp chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các hướng dẫn, quy định về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tới cán bộ, nhân dân và các chủ rừng trên địa bàn huyện. Đồng thời, duy trì và phát huy các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng... Theo ông Ngô Văn Độ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR; kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR cấp huyện; hướng dẫn và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR giữa UBND huyện với UBND 8 xã, giữa UBND 8 xã với 128 bản, cụm dân cư; chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ; tổ chức trực PCCCR, thường xuyên tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCCR tại cơ sở; cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng và dự báo cháy rừng hằng ngày; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Xây dựng quy chế phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn và chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng, kiểm soát lâm sản, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý những vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Diện tích rừng tự nhiên hiện còn của huyện chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên công tác phát hiện đối tượng vi phạm là rất khó. Mặt khác, đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân tộc thiểu số vùng cao, am hiểu về pháp luật hạn chế, khi bị xử lý không có khả năng nộp tiền phạt. Trong khi đó, biên chế cho Hạt Kiểm lâm huyện còn thiếu, một kiểm lâm viên phụ trách từ 2-3 xã, quản lý trên 4.000 ha rừng; phần lớn đội ngũ kiểm lâm viên của Hạt chưa được tập huấn nghiệp vụ trong công tác điều tra, nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý, do đó ảnh hưởng đến thời hạn điều tra vụ án... Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý 998 vụ, 928 đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ phát triển rừng, đã xử lý hành chính 984 vụ, 914 đối tượng; xử lý hình sự 14 vụ, 14 đối tượng; tổng số tiền phạt hành chính gần 3,7 tỷ đồng; tổng thu nộp ngân sách trên 4,7 tỷ đồng (thu được từ xử lý vi phạm hành chính trên 2,8 tỷ đồng, phát mại tang vật gần 1,9 tỷ đồng); số tiền phạt vi phạm hành chính chưa thu được trên 927 triệu đồng; tang vật thu giữ 658 kg sản phẩm động vật hoang dã, 43 cá thể chim, 6 cá thể nhím, 33 kg rùa đầu to, 313 m3 gỗ các loại (riêng năm 2012 thu giữ 860 chiếc thớt nghiến), trên 767 tấn lâm sản ngoài gỗ, 15 xe máy, 16 cưa máy.
Tuy nhiên, với lực lượng mỏng, địa bàn rộng, trong khi áp lực về dân số ở các vùng có rừng và nhu cầu về đất ở, đất canh tác ngày càng tăng, đời sống của bà con lại chủ yếu là hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy và khai thác, lợi dụng tài nguyên rừng... do đó, ngoài tập trung công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra của lực lượng chức năng, các địa phương, đơn vị cần hướng dẫn người dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng; thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo điều kiện để người dân sống được từ rừng, bằng chính những giá trị mà rừng mang lại.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!