Dân gian có câu “gái chửa - cửa mả”, ý muốn nói đến sự nguy hiểm của việc sinh nở. Nguy hiểm là vậy, nhưng nhiều phụ nữ ở các bản vùng cao ở huyện Sốp Cộp vẫn chọn cách tự sinh tại nhà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng cho cả mẹ lẫn con.
Hai con của vợ chồng Giàng A Dia, Sồng Pạ Dê, bản Pu Hao, xã Mường Lạn (Sốp Cộp)
khi sinh ra đều do người nhà tự đỡ.
Trong cơn mưa tầm tã, chúng tôi đến bản Pu Hao, xã Mường Lạn (Sốp Cộp), cả bản có 112 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân thường sinh sống ở lưng chừng núi, nên việc đi lại chưa thuận tiện. Thăm gia đình Ly A Pua, có vợ mới sinh con ngày 9/1/2019. A Pua nói: Trước lúc sinh cũng có đưa vợ đi khám, cán bộ y tế bảo tận cuối tháng 1/2019 mới đến ngày sinh nên lại đưa vợ về nhà. Hôm 9/1, thấy vợ đau bụng cứ nghĩ là đau bình thường, đến khi thấy vợ đau bụng dữ dội mới vội vàng gọi mẹ, chị gái về đỡ đẻ. Các dụng cụ đỡ đẻ tại nhà chỉ là kéo thường dùng ở nhà và chỉ khâu để cắt và buộc rốn thôi”. Giàng A Dia (sinh năm 1999), cũng ở bản Pu Hao, có vợ là Sồng Pạ Dê (sinh năm 2001). Năm 2017, Pạ Dê sinh đứa con đầu lòng tại nhà, do khó sinh nên đứa bé sinh ra bị khó thở, người nhà phải hô hấp nhân tạo sau 30 phút mới thấy cháu khóc và thở bình thường. Đứa con thứ 2 của Dia mới được gần 2 tháng tuổi, cũng được sinh ra tại gia đình do bà nội đỡ, bà cũng chỉ dùng kéo cắt rốn và chỉ khâu quần áo để buộc rốn cho trẻ. Dia bảo: Không đưa vợ lên Trạm Y tế sinh vì nhà xa, điều kiện gia đình khó khăn, không có điều kiện cho vợ đi khám, cũng chẳng có xe để đưa vợ đi đẻ. Chúng tôi tiếp tục đến nhà Ly A Vự cách nhà Dia không xa, vợ là Sồng Thị Dí cũng vừa sinh con tại nhà cách đây 5 tháng, trước khi sinh cũng có đi khám ở cơ sở y tế, bác sỹ bảo chưa đến ngày sinh, nhưng về đến nhà vợ lại đẻ sớm hơn. Khi được hỏi có biết việc sinh tại nhà sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con không, Vự hồn nhiên bảo: Ngày xưa bố mẹ cũng sinh như thế rồi mà, giờ đến lượt mình cũng sinh như thế thôi.
Anh Sộng A Dia, nhân viên y tế bản Pu Hao hơn 10 năm, thông tin: Năm 2018, cả bản có 37 ca sinh nở, trong đó chỉ có 4 ca đến cơ sở y tế, còn 33 ca tự sinh ở nhà (y tế bản đỡ 5 trường hợp). Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp; điều kiện kinh tế khó khăn; đường sá xa xôi, đi lại chưa thuận tiện, cơ sở y tế gần nhất cũng hơn chục cây số; chỉ có ca nào khó họ mới vào viện để sinh. Sinh đẻ tại nhà, chị em thường bị nhiễm trùng phụ khoa, trẻ bị nhiễm trùng dây rốn, do dụng cụ dùng trong lúc đỡ đẻ là kéo và chỉ khâu thông thường, kiến thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh và trẻ sơ sinh cũng rất hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bản đã có sự việc đáng tiếc xảy ra, đó là hồi tháng 10/2018, chị Vàng Thị Nhìa sinh con tại nhà khi mang thai mới gần 7 tháng, do thiếu tháng nên cháu bé đã không qua khỏi, bản thân chị Nhìa bị nhiễm trùng máu, người nhà đưa vào viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Bà Lò Thị Thích, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 16 bản, trong đó có 9 bản vùng cao. Hằng năm, xã vẫn xây dựng kế hoạch tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, vận động nhân dân khi sinh phải đến cơ sở y tế để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con, nhưng tình trạng sinh con tại nhà vẫn diễn ra ở một số bản vùng cao. Bởi một phần do kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế nên họ thường xấu hổ khi nhắc đến chuyện sinh nở, thêm một nguyên nhân nữa là người dân vẫn tin tưởng vào cách đỡ đẻ truyền thống của cha mẹ để lại.
Trao đổi với bà Hứa Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), được biết năm 2018, toàn tỉnh có 23.807 bà mẹ sinh đẻ, trong đó, số bà mẹ sinh đẻ có cán bộ y tế đỡ là 21.629 ca, số không có nhân viên y tế đỡ 2.178 ca. Riêng huyện Sốp Cộp, năm 2018 có 1.166 bà mẹ sinh đẻ (639 bà mẹ sinh tại cơ sở y tế, 527 bà mẹ sinh tại nhà); trong đó, 1.063 bà mẹ sinh đẻ có nhân viên y tế đỡ, 103 bà mẹ sinh đẻ không có nhân viên y tế đỡ. Toàn tỉnh có 7 ca tử vong mẹ do sinh tại nhà, trong đó huyện Sốp Cộp chiếm 3 ca ở các xã Mường Lạn, Mường Lèo (qua tìm hiểu của phóng viên thì huyện Sốp Cộp vẫn còn 1 trường hợp tử vong mẹ do sinh tại nhà ở bản Pha Thóng, xã Púng Bánh nhưng chưa thống kê vào số liệu trên). Đẻ tại nhà rất nguy hiểm nếu không được cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con, không có trang thiết bị cấp cứu; mẹ và con không được theo dõi và chăm sóc trước, trong và sau sinh nên bà mẹ sẽ có rất nhiều nguy cơ tai biến sản khoa như băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật... dẫn đến tử vong mẹ. Tác hại về phía con như uốn ván rốn, xuất huyết não, suy tuần hoàn, suy hô hấp... dẫn đến tử vong.
Để giảm thiểu tình trạng tự sinh tại nhà không có trợ giúp của nhân viên y tế, huyện Sốp Cộp cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền các nguy cơ có thể xảy ra đối với mẹ và con trong quá trình mang thai; tăng cường công tác y tế thôn bản; vận động phụ nữ mang thai đi khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ, củng cố niềm tin cho bà mẹ nên đẻ tại cơ sở y tế để được chăm sóc trong và sau sinh hiệu quả, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!