Nậm Lạnh phát triển mô hình nuôi cá hiệu quả

Những năm gần đây, một số hộ dân xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) đã tận dụng ao, hồ phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt, sản xuất theo hướng hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả.

 

Nông dân bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) chăm sóc cá.

Hầu hết các hộ dân ở các bản dọc 2 bên bờ suối Nậm Lạnh đều có ao cá, nhà ít vài trăm mét vuông, nhà nhiều có đến cả nghìn mét. Nhằm giúp bà con chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, Nậm Lạnh đã huy động nguồn vốn các chương trình 135, 102, 30a, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai mô hình nuôi cá nước ngọt, hỗ trợ bà con cá giống; mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá, hướng dẫn bà con cải tạo, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá; tư vấn cách chọn cá giống phù hợp, mua cá giống tại các địa chỉ uy tín, có chất lượng tốt. Ngoài ra, xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho bà con vay vốn ưu đãi phát triển mô hình.

Bản Phổng có tiềm năng phát triển mạnh mô hình nuôi cá thương phẩm, bởi gần chợ trung tâm huyện, đất có độ dốc vừa phải, lại gần suối Nậm Lạnh và nhiều kênh mương giúp nước trong ao được tuần hoàn. Hiện, bản có gần 1 ha ao nuôi cá thương phẩm. Gia đình anh Lò Văn Sơn, có 1.000 m² ao nuôi cá thương phẩm, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, anh Sơn chia sẻ: Năm 2016, tôi mua 3 kg giống cá trắm, cá rô đơn tính nuôi thử nghiệm. Sau gần một tháng thì cá chết hàng loạt. Nhờ cán bộ khuyến nông chỉ rõ nguyên nhân, hướng dẫn cách chữa trị bệnh, xử lý ao cá trước khi thả cá giống, năm đó, tôi thu được 2 tạ cá, trị giá gần 20 triệu đồng. Năm ngoái, tôi đào thêm 1 ao cá rộng 600 m², thả 3.000 con cá giống (500 con cá chép, 500 con cá trắm, 2.000 con cá rô đơn tính). Khi cá còn nhỏ, tôi dùng thức ăn tổng hợp dạng viên cho cá ăn, sau chuyển sang dùng bột sắn, ngô và rau cỏ...

Còn ở Púng Tòng, bản có tới 3,5 ha ao cá, chúng tôi được ông Tòng Văn Phin, Bí thư chi bộ bản cho hay: Bản xây dựng nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, các mô hình đều được sự hỗ trợ vốn, cá giống, kỹ thuật nuôi như gia đình anh Tòng Văn Tuấn với hơn 1.500 m² ao cá, Vì Văn Thiên (1.000 m²), Tòng Văn Phanh (1.100 m²), chị Lò Thị Mính (800 m²)... đã thoát nghèo từ nuôi cá. Được biết, tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ còn 10,3%.

Trao đổi về việc phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt, anh Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, tổng diện tích ao cá của toàn xã là 25,5 ha, diện tích nuôi cá thương phẩm chỉ khoảng 7 ha. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý bản, tổ chức đoàn thể tuyên truyền vận động bà con chuyển sang nuôi cá nước ngọt; phối hợp với Ngân hàng Chính xách xã hội để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xây dựng mô hình; khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật, giới thiệu địa chỉ cung cấp cá giống uy tín để bà con lựa chọn, đầu tư phát triển các mô hình nuôi cá cho thu nhập ổn định.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới