Nậm Lạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) đã thực hiện tốt chế độ, chính sách dạy nghề đối với các đối tượng tham gia và thụ hưởng; đặc biệt là nhóm đối tượng lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số...

 

Nhân dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) thu nhập cao từ quýt ghép.

Với đặc thù là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, Nậm Lạnh hiện có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; lao động nông thôn trong độ tuổi hiện có trên 2.000 người, nhưng số có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chỉ 140 người, 130 lao động được dạy nghề, còn lại chưa qua đào tạo (lao động trẻ chiếm 37%). Khắc phục tình trạng này, Nậm Lạnh đã ưu tiên dành nguồn lực cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, song cũng mới đáp ứng trên 28% chỉ tiêu xã đã đề ra.

Để lao động nông thôn biết vận dụng các kiến thức khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từ năm 2011 đến nay, xã đã tuyên truyền cho trên 500 lượt người về công tác giảm nghèo, chương trình đào tạo nghề; định hướng cho lao động về ngành nghề phù hợp và mỗi năm có trên 100 lao động đăng ký học nghề. Ông Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh, nói: Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là cơ hội để người nghèo được trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ KHKT, áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập. Sau đào tạo, hầu hết những đối tượng này đều có việc làm và đã áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay, Nậm Lạnh phát triển trên 60 ha giống quýt ghép với giống bản địa, xã ưu tiên đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, nhờ đó người nông dân trồng quýt có thu nhập cao hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các cấp, ngành tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho lao động, đã giới thiệu 7 lao động tới học tập và làm việc tại các công ty than ở Quảng Ninh.

Thông qua công tác đào tạo nghề, nhiều nông dân đã có thể xóa đói, giảm nghèo ngay tại địa phương. Điển hình như anh Lò Văn Loan, Trưởng bản Mới, với 1 ha đất rừng, được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống sa nhân tím và được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, năm nay nhà anh thu hoạch khoảng 500 kg sa nhân tươi, giá 60 nghìn đồng/kg, nhưng từ năm sau trở đi, anh ước thu hoạch từ 300-400 kg quả khô, với giá từ 500-700 nghìn đồng/kg. Ông Tòng Văn Pành (bản Lọng Tòng) có 200 cây quýt ghép với giống địa phương trồng trên diện tích 2.000 m2 đất dốc, bình quân mỗi gốc quýt cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng; vụ năm nay gia đình ông thu hoạch khoảng 6 tấn, ước thu trên 200 triệu đồng. Còn hộ các ông: Lò Văn Sơn (bản Phổng) thu trên 200 triệu đồng/năm từ 0,5 ha quýt; Vì Văn Thuận (bản Lọng Tòng), thu 150 triệu đồng/năm từ 0,2 ha quýt.

Việc đào tạo nghề cho những lao động nông thôn không chỉ thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của cho lao động đã qua đào tạo, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nậm Lạnh đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông thôn, trong đó chú trọng phát triển các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, dựa trên nhu cầu học nghề của người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới