Nậm Lạnh “ấm” lên rồi

Về Nậm Lạnh lần này, tôi hết sức ấn tượng với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những nương sắn trải dài, nương ngô đang trổ cờ, nhà cửa, đường sá tấp nập, đông vui đầy màu sắc, như khắc họa sâu đậm thêm bức tranh quê đầy sức sống.

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của người dân bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp).

 

Tại trụ sở UBND xã, đồng chí Giàng A Sệnh, Bí thư Đảng ủy xã đã trao đổi với chúng tôi về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thăng trầm, cùng sự chuyển mình, đổi thay của xã. Qua câu chuyện của đồng chí Bí thư, tôi mường tượng được Nậm Lạnh ngày chưa có cách mạng, cuộc sống của đồng bào 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú hết sức khổ cực, chỉ làm cuông, nhốc cho lũ phìa tạo. Lúc bấy giờ, trình độ dân trí thấp lắm, người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu học hành, thiếu những điều kiện tối thiểu của đời sống; các hủ tục lạc hậu càng làm cho cuộc sống thêm gánh nặng, bẻ măng, đào củ mài để ăn, hoặc săn bắt trong rừng, trên núi, dưới suối, dưới khe cùng kiểu canh tác “chọc lỗ, tra hạt” đè nặng kiếp người, tưởng không có lối thoát.

Song, những điều đó đã chỉ là quá khứ. Hòa bình lập lại, bà con các dân tộc Nậm Lạnh được sống trong độc lập, tự do; có cơm ăn, áo mặc, con trẻ được đến trường học chữ... Bà con đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình 135, rồi nghị quyết 30a như chiếc đòn bẩy đã giúp cho người dân nơi đây có điều kiện xây dựng cuộc sống mới. 14 bản, 2 điểm dân cư với trên 750 hộ dân Nậm Lạnh đã được hỗ trợ giống, tư liệu sản xuất, hướng dẫn khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, mang đến những đổi thay mạnh mẽ từ suy nghĩ đến cách làm. Dù năng suất lúa chưa cao bằng các vùng miền khác, nhưng các gia đình đã có đủ gạo ăn quanh năm, thậm chí để bán - điều mà người dân nơi đây bao lâu mong ước. Hiện, xã đang gieo trồng gần 200 ha lúa 2 vụ, năng suất đạt 5,6 tấn/ha; lúa nương trên 270 ha; diện tích đất trồng sắn trên 270 ha; trồng mới 24 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả của xã lên 61 ha; diện tích ao cá trên 24 ha... Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cũng được bà con quan tâm, từ thói quen thả rông gia súc, gia cầm, nay bà con đã làm chuồng trại chắc chắn, tạo liên kết tổ nhóm để phát triển chăn nuôi, toàn xã hiện có trên 3.900 con gia súc, đàn gia cầm trên 14.950 con.

Cũng theo đồng chí Bí thư, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, Nậm Lạnh đã khởi công xây nhà văn hóa bản Lạnh Bánh; làm đường bê tông trục chính dài 1.700 mét tại các bản, tổng kinh phí trên 450 triệu đồng. Đến thời điểm này, xã đã đạt 8/19 tiêu chí, 33/49 chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bản Phổng là bản đi đầu trong phát triển kinh tế, mở rộng diện tích cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo cho giá trị kinh tế cao... Trong đó, gia đình ông Lò Văn Sơn là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, với việc trồng 2 ha cam, quýt kết hợp nuôi 6 con trâu, bò, đào 5.000 m2 ao thả cá... trung bình mỗi năm gia đình ông thu khoảng 150 triệu đồng.

Thật vui bởi cơ sở hạ tầng ở Nậm Lạnh được quan tâm đầu tư khá đồng bộ: Trạm y tế xây mới; mở đường từ trụ sở UBND xã đến các thôn bản và giữa các bản với nhau; điện lưới quốc gia đã về hầu hết các bản làng, thôn xóm; 98% số trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện hiệu quả. Người dân có bệnh đã đến cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, chứ không cúng ở nhà như trước đây. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì thường xuyên...

Bên cạnh những thành tích đạt được, Nậm Lạnh vẫn còn những khó khăn, trăn trở, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 64%; địa hình chủ yếu là đồi núi cao, các bản cách xa nhau, khả năng áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất hạn chế; công tác đào tạo nghề chưa mở rộng; một số tuyến đường nông thôn vẫn là đường đất, khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp khó khăn...

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự tích cực vươn lên từ nội lực, nhân dân xã Nậm Lạnh đã khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Biết ơn Đảng, Bác Hồ, đồng bào các dân tộc tiếp tục đoàn kết xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, để Nậm Lạnh mãi là vùng “đất ấm”.

Mùi Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới