Mường Lèo nỗ lực thoát nghèo

Đã bao lần lỡ hẹn chưa thể về với Mường Lèo do những cơn mưa rừng bất chợt, lần này, dù đối mặt với những cung đường đất trơ sỏi đá, phải vượt đỉnh Pu Sâng với dốc 5 tầng cao vời vợi cùng gió Lào hầm hập nóng... nhưng chúng tôi vẫn háo hức về Mường Lèo để chứng kiến cuộc sống đang đổi thay của đồng bào các dân tộc định cư nơi miền biên giới xa xôi của Sốp Cộp.

Một góc trung tâm xã Mường Lèo (Sốp Cộp) hôm nay.

Con đường từ Púng Bánh qua đỉnh Pu Sâng về trung tâm xã Mường Lèo, rồi tiếp tục nối đi các bản dọc vành đai biên giới mùa này tím ngắt hoa sim. Dù các tuyến đường liên xã, liên bản vẫn là đường đất, nhưng thực sự nhịp sống ở đây đang chuyển biến mạnh mẽ. Là xã vùng III đặc biệt khó khăn, giáp ranh với cụm bản Na Son, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng (CHDCND Lào) và xã Mường Lói (Điện Biên), cách trung tâm huyện hơn 60 km đường dốc núi, Mường Lèo là nơi cư ngụ của 3 dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Tổng diện tích gần 38.000 ha, trong đó đất nông nghiệp khoảng 14.000 ha. Ông Lò Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo băn khoăn: Đất rộng, lao động không thiếu, nhưng Mường Lèo lại đang thuộc tốp cuối của huyện và tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 54,03%; còn 8/13 bản và 1 điểm dân cư chưa có điện sinh hoạt; bản Nặm Khún cách trung tâm xã 28 km chưa có đường ô tô; 18/23 phai, kênh mương là tạm nên diện tích ruộng bị bỏ hoang còn lớn; 52 hộ chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 46,2% số phòng học tạm bợ lợp bằng nứa lá; 2 bản chưa có nhà văn hóa; 59,2% dân số chưa được sử dụng mạng điện thoại di động; 40,4% hộ dân chưa được xem truyền hình...

Để vượt qua những khó khăn bất cập đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Lèo quyết tâm phá thế biệt lập, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2016, ngoài việc duy trì thâm canh 14 ha lúa xuân, 51 ha lúa mùa, 450 ha nương định canh, 90 ha ngô, 120 ha sắn, 38 ha cây ăn quả, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng 3 mô hình trồng thử nghiệm giống cam sành, chăn nuôi vịt siêu trứng và đưa cây ngô, đậu, lạc xuống ruộng 1 vụ tại bản Mạt, bản Liềng; hướng dẫn nhân dân bản Huổi Phúc chuẩn bị trồng cây sơn tra; mở 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; vận động bà con tận dụng lợi thế về đồng cỏ, phát triển mạnh chăn nuôi trâu, bò hàng hóa. Đến nay, xã đã có 1.850 con trâu, 1.600 con bò và trên 1.200 con ngựa, dê. Ngoài ra, còn được hỗ trợ 132 con dê giống lai theo Nghị quyết 30a cho 66 hộ nghèo.

Đi qua các bản Huổi Phúc, Pá Khoang, Huổi Luông, Huổi Làn, Chăm Hỳ... mùa này đâu đâu cũng thấy từng đàn trâu, bò, dê, ngựa trên các bãi chăn thả đã được quy hoạch, rào chắn. Một số hộ ở bản Huổi Luông còn đầu tư cả trăm triệu đồng xây bờ bao ngăn dòng suối, tạo thành ao hồ để tích nước uống cho trâu, bò vào mùa khô; xây dựng chuồng trại có mái che bảo vệ đàn gia súc phòng khi giá rét, lúc nắng hạn. Tận dụng nguồn nước dồi dào, xã chỉ đạo bà con đào 14 ha ao thả cá; tiếp nhận 236 tấn xi-măng làm đường giao thông nông thôn (hiện đã hoàn thành 4 tuyến nội bản tại bản Liềng dài 1,8 km); 3 công trình nhà lớp học, nhà ở giáo viên bản Huổi Luông, nhà văn hóa bản Huổi Phúc đang được triển khai, tuyến đường giao thông Huổi Làn - Huổi Áng được nâng cấp. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo của xã trên 3 tỷ đồng. Đồng thời, vận động nhân dân khu vực mốc 146 - 147 xuống núi định cư tập trung tại điểm Huổi Lạ (hiện đang san ủi nền nhà cho 14 hộ và 6 hộ còn lại đang chuyển xuống định cư tại bản Huổi Áng)...

Tuy nhiên, sự bứt phá của Mường Lèo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, xã rất cần sự đầu tư giúp đỡ của các cấp, các ngành. Trước mắt, vận động nhân dân khai hoang phục hóa ruộng nước; chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa quy mô trang trại bền vững; cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích ao cá; xây dựng mô hình thâm canh lúa; phòng, chống cháy rừng...

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới