Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi về xã vùng cao, biên giới Mường Lạn (Sốp Cộp). Điều nhận thấy trước tiên là, trụ sở xã, trạm y tế, trường học, đường giao thông, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê này.
Công trình Nhà văn hóa xã Mường Lạn (Sốp Cộp) đang được thi công.
Bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mường Lạn gặp không ít khó khăn, đó là: Trình độ dân trí thấp, thu nhập của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, kết cấu hạ tầng xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng. Đảng ủy xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã; phân công thành viên bám sát cơ sở, nắm bắt nguyện vọng của nhân dân để xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch theo từng giai đoạn, đề xuất các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông nông thôn...
Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình; tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế; chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả, như: Xoài, chanh leo, mận... Cùng với đó, triển khai trồng rừng, cây dược liệu, trồng cỏ voi nuôi vỗ béo gia súc. Kết hợp các nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo để xây dựng các mô hình kinh tế, hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất... Hiện, toàn xã đã có gần 120 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 40 ha đã cho thu hoạch; duy trì thâm canh 160 ha lúa 2 vụ, sản lượng hơn 1.600 tấn thóc/năm; trồng 720 ha ngô, sản lượng trên 1.300 tấn/năm; 451 ha sắn, sản lượng hơn 5.300 tấn/năm và 40 ha rau màu các loại. Ngoài ra, bà con còn chăm sóc tốt hơn 35.000 con đàn gia súc... Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Cùng với phát triển kinh tế, từ năm 2018 đến nay, từ các nguồn vốn, xã được đầu tư xây dựng 11 công trình hạ tầng thiết yếu, trong đó 3 công trình đã đưa vào sử dụng, gồm: Công trình mương phai thủy lợi, nhà bán Trú trường PTDT Bán trú Tiểu học Mường Lạn và nhà làm việc Công an xã. Do địa bàn rộng, có nhiều tuyến đường khó, Mường Lạn ưu tiên xây dựng các tuyến đường ở các bản vùng thấp, ven suối, đồng thời huy động nhân dân đóng góp cát, sỏi, đá để làm đường. Đến nay, toàn xã có 27,5 km đường nội bản được bê tông hóa. Riêng 6 tháng đầu năm, đã đổ bê tông 9 tuyến đường, dài 1,8 km, trị giá hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, trị giá 1,1 tỷ đồng.
Ông Vì Văn Biện, Bí thư chi bộ bản Cống, cho hay: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Quản lý bản đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây xoài, chanh leo, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Hiện, thu nhập bình quân của bản là 15,5 triệu đồng/người/năm. Cùng với sự hỗ trợ Nhà nước, nhân dân đã đóng góp gần 130 triệu đồng và hơn 1.000 ngày công lao động đổ bê tông 2,7 km đường nội bản. Năm 2018, đóng góp hơn 73 triệu đồng đổ bê tông sân và lợp mái tôn nhà văn hóa bản.
Để thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn hướng dẫn nhân dân giữ vệ sinh môi trường, không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; giữ gìn vệ sinh nhà ở, đường làng, ngõ xóm; thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm... Đồng thời, huy động các nguồn vốn hỗ trợ, kết nối vốn vay ưu đãi để xây dựng các công trình nước sạch, nhà tiêu, bể chứa rác thải. Hiện, trên 90% số hộ dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh; hơn 79% số hộ có nhà tiêu đúng tiêu chuẩn; 85% số hộ không nuôi trâu, bò dưới gầm sàn nhà ở.
Trao đổi với chúng tôi về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở xã, đồng chí Lò Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết, hiện nay xã đã đạt 8/19 tiêu chí, phấn đấu hết năm 2019 đạt thêm tiêu chí số 4 về điện, tiêu chí 18 về hệ thống chính trị, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền xã cùng với nhân dân quyết tâm nỗ lực để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đúng kế hoạch đã đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!