Mường Lạn là xã biên giới khó khăn của huyện Sốp Cộp. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế các loại cây lương thực kém hiệu quả bằng loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, thay đổi phương thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Nông dân bản Cống, xã Mường Lạn trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Trước đây, bà con chủ yếu canh tác các giống cây ngắn ngày, cho thu hoạch nhanh như ngô, sắn, y dĩ... thói quen canh tác nhỏ lẻ, manh mún, năng suất, chất lượng thấp. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, khảo sát diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả; nghiên cứu, xác định các loại cây ăn quả phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, có thị trường đầu ra; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, ban quản lý các bản phối hợp với các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tuyên truyền cho bà con về lợi ích lâu dài, giá trị của các loại cây ăn quả. Đồng thời, triển khai các nguồn vốn theo chương trình giảm nghèo 30a, 102, 135, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ bà con cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình kinh tế điểm. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Hội Nông dân tổ chức mở từ 3 đến 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cắt, ghép cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả, thu hút trên 1.000 người tham gia; giới thiệu, hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển diện tích cây ăn quả... Đến nay, xã đã trồng được gần 120 ha cây ăn quả chất lượng cao, như: Cam, xoài, mận hậu, chanh leo...
Được lãnh đạo xã giới thiệu, chúng tôi tới vườn xoài của gia đình ông Lò Văn Sai, bản Cống. Năm 2015, nhận thấy hiệu quả của trồng cây ăn quả, ông Sai mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng 2.400 cây xoài giống Đài Loan. Đến nay, gia đình đã mở rộng diện tích trồng xoài lên đến 3,5 ha; trong đó, 1,5 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Không giống với các vùng trồng xoài Đài Loan khác trên địa bàn tỉnh, thời điểm này đang cho thu hoạch, nhưng vườn xoài của ông Sai quả vẫn còn bé, thời gian thu hoạch vào cuối vụ nên chắc chắn sẽ bán được giá. Ông Sai chia sẻ: Ở đây thời tiết lạnh, nên xoài lớn chậm hơn so với các vùng khác. Thông thường, nhà tôi thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Bán xoài muộn cũng có giá cao hơn từ 2 đến 3 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Dọc tuyến đường bê tông qua các bản Nong Phụ, Pu Hao và bản Cống, chúng tôi dễ dàng quan sát thấy những giàn cây chanh leo tươi tốt phủ kín triền đồi. Tháng 6/2018, một số hộ dân các bản này đã tự bỏ vốn đầu tư đưa giống cây chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng tại địa phương. Đến nay, tổng diện tích đã lên đến hơn 12 ha, năng suất bình quân trên 20 tấn quả/ha. Anh Giàng A Sồng, bản Pu Hao cho biết: Được tuyên truyền về trồng cây ăn quả, thấy cây chanh leo hiệu quả cao, gia đình tôi đầu tư làm giàn, mua 200 cây giống về trồng trên 3.000 m2 đất nương. Được cán bộ khuyến nông xã và Công ty Nafoods Tây Bắc hướng dẫn cách làm giàn, chăm sóc nên cây phát triển tốt. Đến nay, đã cho thu hoạch gần 8 tạ quả, thu về hơn 10 triệu đồng. Lứa thứ 2 dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 1,5 tấn quả. Tôi cũng vận động bà con trong bản trồng chanh leo, hiện cả bản đã trồng được hơn 3 ha.
Ông Lò Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, đa phần các sản phẩm hoa, quả của xã đều bán nhỏ lẻ trong huyện, giá cả không ổn định. Để giải quyết vấn đề này, xã vận động bà con liên kết thành vùng sản xuất, thành lập hợp tác xã; sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn nhằm hướng tới các thị trường trong, ngoài tỉnh; xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, đường đến khu sản xuất giúp các thương lái có thể đến tận vườn thu mua nông sản cho bà con. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với các ban, ngành của huyện liên hệ các công ty thu mua sản phẩm cho bà con. Hiện, xã phối hợp Đoàn KT - QP 326 ký kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc bao tiêu sản phẩm toàn bộ diện tích chanh leo cho người dân.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện địa phương, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con xã Mường Lạn. Qua đó, trình độ canh tác được nâng lên, từng bước chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!