Mường Lạn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Những năm gần đây, nông dân xã Mường Lạn (Sốp Cộp) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho bà con.

Nhân dân bản Pá Kạch, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) chăm sóc gia súc.

Xã Mường Lạn đã tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò; huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án và nhận ủy thác cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình nuôi nhốt gia súc; hỗ trợ xây dựng chuồng trại, con giống. Chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông theo dõi, hướng dẫn người dân cách làm chuồng nuôi hợp lý đảm bảo vệ sinh môi trường, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống rét cho gia súc, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân chuồng, dự trữ rơm rạ làm thức ăn khô, không để tình trạng trâu, bò bị đói, rét. Đàn trâu, bò của xã hiện có gần 5.580 con.

Chị Tòng Thị Hậu, cán bộ thú y xã cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc được triển khai thường xuyên, nhất là các thời điểm giao mùa, chúng tôi trực tiếp đến các bản hướng dẫn bà con giữ vệ sinh chuồng trại, nhận biết và theo dõi gia súc có bệnh, kịp thời triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh. Năm 2018, trên địa bàn xảy ra 1 đợt dịch lở mồm long móng ở bản Pu Hao và Huổi Lè làm 55 con trâu, bò mắc bệnh. Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã kịp thời cách ly, điều trị, khống chế không để dịch bùng phát và thực hiện phun hóa chất khử khuẩn cho 5 bản xung quanh vùng dịch.

Chúng tôi cùng cán bộ thú y xã đến bản Pá Kạch, bản đi đầu trong phát triển đàn gia súc. Trưởng bản Giàng Bả Sáo thông tin: Cả bản hiện có trên 900 con trâu, bò, được bà con chăn thả tập trung ở các bãi có rào chắn, dựng lán có mái che cho gia súc tránh mưa gió. Bản chủ động phối hợp với cán bộ thú y xã, nắm lịch tiêm vắn xin phòng bệnh cho gia súc, thông báo đến bà con thông qua loa bản; vận động bà con làm chuồng trại tại nhà phòng khi trời rét đậm, rét hại thì đưa gia súc về chăm sóc; ngoài ra, bà con còn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi chủ động thức ăn cho súc.

Còn ở bản Mường Lạn, các hộ dân lại chọn hình thức nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo. Thoát nghèo nhờ nuôi bò nhốt chuồng, anh Lò Văn Thưng, nói: Năm 2005, gia đình tôi được nhận 1 con bò giống trị giá 10 triệu đồng từ Chương trình 30a hỗ trợ, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng và chuyển đổi đất trồng sắn kém hiểu quả sang trồng cỏ voi. Hiện nay, gia đình thực hiện nuôi trâu, bò vỗ béo, thuận lợi là chủ động được nguồn thức ăn tại chỗ, gồm cỏ voi và rơm khô, đảm bảo trâu, bò tăng cân nhanh, xuất chuồng sớm, sau từ 4 đến 6 tháng vỗ béo có thể bán được. Hiện nay, gia đình tôi trồng 1.000 m2 cỏ voi, nuôi vỗ béo 8 con trâu, bò, mỗi năm bán 3 đến 5 con, trừ chi phí còn lãi 60 triệu đồng.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân ở Mường Lạn, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của bà con sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

 Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới