Những năm qua, Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho trẻ em vùng biên giới.
Vườn cổ tích của trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp).
Ngoài khu trung tâm, Trường Mầm non Hoa Phong Lan có tới 18 điểm lẻ, với gần 850 trẻ theo học. Trường hiện có 31 phòng học, trong đó có 20 phòng học kiên cố, 6 phòng bán kiên cố, 5 phòng học tạm. Mặc dù cơ sở vật chất còn khó khăn, nhưng công tác xây dựng môi trường thân thiện, gần gũi, an toàn với trẻ luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác dạy học, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai ngay từ đầu năm học; các giờ học thực hiện phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ; khuyến khích giáo viên tự trang trí và làm đồ dùng dạy học, đồ chơi và trang trí lớp học theo chủ điểm bằng các vật dụng tự chế, lồng ghép tổ chức các hoạt động ngoài trời và trong lớp phù hợp. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ; tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp học, khóa bồi dưỡng, các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Hiện, 100% giáo viên của nhà trường đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo, trên 65% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Hằng năm, 100% trẻ được khám sức khỏe, cân đo theo dõi biểu đồ theo quy định; trên 85% học sinh đạt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong mọi hoạt động và trên 96% bé khỏe, bé ngoan, bé chuyên cần.
Cô giáo Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng dẫn chúng tôi thăm không gian ngoài trời của nhà trường. Trong diện tích gần 200 m2, các cô giáo khéo léo bố trí vườn cây, vườn hoa, vườn cổ tích, chợ quê của bé, vườn hoa của bé, ao cá thu nhỏ bằng các vật liệu tái chế như vỏ chai nhựa, lốp xe hỏng, bình sữa, tre nứa, đá sỏi... Những hòn đá lớn nhỏ tưởng như vô tri, vô giác, được các cô giáo khéo léo biến hóa thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, sinh động; những chiếc chai nhựa bỏ đi được cắt tỉa tỉ mỉ thành vườn hoa hướng dương rực rỡ... Cô giáo Trần Thị Lan Hương cho biết: Nhà trường phát động cán bộ, giáo viên thực hiện trang trí khuôn viên ở các điểm trường, mô phỏng sinh động cuộc sống xung quanh, tạo môi trường học tập thân thiện với trẻ, giúp các cháu phát triển đầy đủ thể chất, năng lực, khả năng nói, nhận biết. Mừng nhất là tại các điểm trường lẻ, các phụ huynh đã quan tâm sửa sang phòng học, làm sân bê tông, tường rào, trồng cây xanh tạo khuôn viên điểm trường sạch sẽ.
Việc nâng cao khả năng tiếng Việt cho trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường. Cô giáo Lò Thị Đôi, giáo viên lớp 5 tuổi, chia sẻ: Để tăng cường khả năng nói, đọc, nhận biết tiếng Việt cho trẻ, chúng tôi xây dựng mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, có kiểm tra, đánh giá. Trong các giờ học, nội dung tăng cường tiếng Việt được đưa vào theo chủ đề lồng ghép với các hoạt động nhận biết, tham quan ngoài trời, tăng cường giao tiếp tiếng Việt. Cuối giờ học, chúng tôi cho trẻ học mặt chữ, đọc chữ trong bảng chữ cái. Đến nay, toàn bộ 31 trẻ trong lớp đã đọc và nhận biết được hết mặt chữ, sẵn sàng vào học lớp 1.
Với sự tận tình, chu đáo và nhiệt huyết, cán bộ, giáo viên, Trường Mầm non Hoa Phong Lan đã và đang thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục cho trẻ em, tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện, mang lại niềm tin cho các bậc phụ huynh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!