Hỗ trợ đời sống người dân vùng đệm rừng đặc dụng

Những năm trước đây, đời sống của người dân sinh sống ở vùng đệm rừng đặc dụng Sốp Cộp còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, huyện Sốp Cộp cùng với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ các bản vùng rừng đặc dụng, tạo việc làm ổn định, giúp người dân thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Người dân bản Phải, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) chăm sóc

vườn cây ăn quả do Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp hỗ trợ giống cây trồng.

Rừng đặc dụng Sốp Cộp nằm trong quy hoạch hệ thống 164 các khu rừng đặc dụng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/2013/QĐ-TTg; rừng có khoảng 17.000 ha trải khắp địa bàn 6 xã của các huyện Sốp Cộp và Sông Mã, với 58 bản giáp rừng. Trong đó, huyện Sốp Cộp có 7.442 ha rừng đặc dụng, trên phạm vi 3 xã Sốp Cộp, Dồm Cang và Púng Bánh, với 38 bản ở vùng đệm. Thời gian qua, huyện Sốp Cộp luôn xác định, cải thiện đời sống của người dân và cộng đồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là mục tiêu, yêu cầu, mà còn là giải pháp quan trọng trong phát triển sự nghiệp lâm nghiệp của quốc gia. Huyện đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng huyện Sốp Cộp chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng trong vùng đệm tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nâng cao nhận thức làm chủ rừng cho cộng đồng và các hộ gia đình; hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quản lý và sử dụng rừng...

Chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả với 800 cây bưởi của bản Phải, xã Púng Bánh (Sốp Cộp). Đây là 1 trong 38 bản vùng đệm được hưởng các chính sách hỗ trợ để cải thiện đời sống. Trưởng bản Vì Văn Dẫn cho biết: Cả bản có 120 hộ, qua bình xét bản có 80 hộ trong diện khó khăn được hỗ trợ cây giống. Tháng 7/2018, các hộ được cán bộ kiểm lâm vận chuyển cây bưởi giống đến để trồng. Tuy nhiên, do thiếu đất nên bản vận động 1 hộ đứng ra góp đất để trồng cả 800 cây giống trên một diện tích, hiện cây phát triển rất tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%. Ngoài ra, bản còn được hỗ trợ công chăm sóc bảo vệ 250 ha rừng, với mức 400 nghìn đồng/ha và 130 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, với mức 700 nghìn đồng/ha. Theo Chương trình 30a, năm 2016, 2017, các hộ nghèo còn được hỗ trợ 13 con lợn giống (3 triệu đồng/hộ); năm 2018, hai hộ được hỗ trợ giống bò sinh sản (10 triệu đồng/con). Từ Chương trình 102, bản được hỗ trợ 100 nghìn đồng/nhân khẩu/năm, nhưng quy ra cây con giống hoặc phân bón tùy từng hộ đăng ký. Năm 2017, 13 hộ trong bản được hỗ trợ 13 máy phát cỏ, trị giá 500 nghìn đồng/hộ; năm 2018, 1 hộ nghèo trong bản được hỗ trợ máy tuốt lúa, trị giá 10 triệu đồng. Cũng nhờ các chương trình hỗ trợ, người dân trong bản không phá rừng, không chăn thả gia súc trong rừng đặc dụng; có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn và tích cực phát triển sản xuất. Năm 2017, bản có 58 hộ nghèo, đến đầu năm 2019 chỉ còn 38 hộ nghèo.

Trao đổi với ông Trần Ngọc Đoàn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sốp Cộp, được biết, hiện nay, Hạt đang hỗ trợ các bản được khoán bảo vệ rừng theo các quyết định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Theo đó, đã hỗ trợ 400.000 đồng/ha, với diện tích thực hiện 5.041 ha; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 5.883 ha, với mức hỗ trợ 49.700 đồng/ha; hỗ trợ kinh phí trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng 500 ha trên địa bàn 8 bản, với mức hỗ trợ năm đầu 700.000 đồng/ha, năm sau 500.000 đồng/ha; hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho các bản trồng và chăm sóc rừng với diện tích 250 ha; hỗ trợ giống cây ăn quả cho 22 bản trên địa bàn 3 xã với mức 40 triệu đồng/bản...

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Ngoài các chính sách của Chính phủ, của tỉnh, huyện Sốp Cộp đặc biệt quan tâm đến những hộ nằm trong vùng đệm của rừng đặc dụng, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Hằng năm, huyện ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia của huyện cho những hộ này, hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ nghèo, 7 triệu đồng/hộ cận nghèo và 5 triệu đồng/hộ mới thoát nghèo. Ngoài ra, huyện còn tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình 30a, 135, 102, xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho nhân dân phát triển sản xuất, sớm ổn định đời sống, để nhân dân quan tâm, bảo vệ và tham gia phát triển rừng, đặc biệt là khu vực rừng đặc dụng...

Có thể thấy, việc vận dụng linh hoạt những chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng ở Sốp Cộp đã giúp đời sống của người dân từng bước được nâng cao; ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt. Để nhân dân gắn bó với rừng hơn nữa, huyện Sốp Cộp vẫn cần có thêm những chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân sinh sống trong khu vực này; đồng thời, có sinh kế bền vững để giúp họ yên tâm sản xuất và nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới