Huyện Sốp Cộp được đánh giá là địa phương có điều kiện phù hợp để nuôi ong mật, trước đây người dân chủ yếu nuôi tự phát, sản phẩm từ ong cũng chỉ để sử dụng trong gia đình. Sau khi HTX Nam Phượng triển khai dự án nuôi ong mật trên địa bàn hai xã Dồm Cang, Mường Và đã thu hút nhiều hộ dân tham gia, sản phẩm mật ong được bao tiêu trọn gói, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Gia đình anh Lò Văn Kiêm, bản Nà Lừa, xã Mường Và (Sốp Cộp) có thu nhập mỗi năm trên 40 triệu đồng từ nuôi ong.
Cuối năm 2017, HTX Nam Phượng (Sốp Cộp) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình nuôi ong mật nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn hai xã Dồm Cang, Mường Và. Dự án mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nông thôn, đồng thời tạo việc làm cho lao động trong thời gian nông nhàn. Giúp người dân nuôi ong trên địa bàn huyện xoá bỏ tập quán nuôi ong tự phát, từng bước nâng cao chất lượng mật ong, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Dự án đã hỗ trợ 45 hộ nông dân tại hai xã Dồm Cang và Mường Và, mỗi hộ dân được hỗ trợ 2 đàn ong giống, 10 thùng ong, các loại thuốc dành cho ong, dụng cụ bảo hộ và sản xuất trong quá trình nuôi ong, được tập huấn kỹ thuật về quy trình kỹ thuật nuôi ong mật, chăm sóc ong, khai thác mật, phương pháp sang thùng ong, chia đàn ong, kiểm tra, đánh giá đàn ong... Đến nay, quy mô đàn ong đã được mở rộng, nhiều hộ nắm chắc kỹ thuật đã phát triển đàn ong từ 2 đàn ban đầu tăng lên 10 đến 55 đàn, điển hình như hộ gia đình anh Lò Văn Kiêm, Lường Văn Vui, Lường Văn Dương (bản Nà Lừa, xã Mường Và); Vì Văn Tọi, Lò Văn Biên (bản Pặt, xã Dồm Cang).
Tiến sỹ Phạm Văn Anh, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc, Chủ nhiệm dự án cho biết: Dồm Cang và Mường Và là 2 trong 8 xã của huyện Sốp Cộp có điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án nuôi ong rừng. Hai xã đều nằm giáp vùng đệm của rừng Sốp Cộp, nguồn thực vật phong phú, giao thông thuận lợi, có số hộ nuôi ong rừng nhiều, đặc biệt là có nhiều hộ đăng ký thực hiện dự án. 100% các hộ đang duy trì giống ong mật bản địa, nguồn cung cấp mật từ hoa rừng, chất lượng mật có giá trị cao, khai thác từ tự nhiên và có khả năng hướng tới phát triển thương hiệu mật ong rừng địa phương. Nghề nuôi ong mật ở đây cần vốn đầu tư ít, hiệu quả nhanh và bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn lao động dư thừa, nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, không phải di chuyển đàn ong như cách nuôi thông thường ở địa phương khác, không chiếm nhiều diện tích đất cũng như nguồn nhân công nên có thể áp dụng ở các bản ven rừng. Hơn nữa, sản phẩm mật ong rừng có chất lượng cao, không có yêu cầu cao về quy trình bảo quản, có thể lưu giữ lâu dài, đầu ra của sản phẩm luôn ổn định. Qua kết quả xét nghiệm, mật ong ở đây có màu sắc tự nhiên, mùi thơm, vị ngọt; hàm lượng đường trong mật đạt từ 78,33 - 82,40%; độ ẩm 18,40% - 20,87%. Đã đăng ký được tiêu chuẩn chất lượng mật ong rừng Sốp Cộp.
Gia đình anh Lò Văn Kiêm, bản Nà Lừa, xã Mường Và, là hộ có số đàn ong nhiều nhất bản. Anh bảo, trước đây thường bắt ong mật trong rừng về nuôi, sản phẩm chỉ để sử dụng trong gia đình. Khi tham gia dự án nuôi ong, trở thành thành viên của HTX Nam Phượng, được tập huấn các kỹ thuật nuôi ong mật nội, được hỗ trợ 2 đàn ong giống, 10 tổ ong mới, sản phẩm làm ra đều được bao tiêu. Đến nay, gia đình anh đã nhân được 86 đàn, sản lượng trên 300 kg mật, mỗi năm cho thu hoạch trên 40 triệu đồng từ bán mật, phấn hoa. Anh dự kiến tiếp tục nhân rộng khoảng 50 đàn ong nữa.
Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX Nam Phượng cho hay: Hiện nay, HTX có 45 thành viên nuôi ong, số lượng đàn ong giống sau khi chuyển giao và tiến hành nhân đàn đã có sự tăng lên đáng kể. Từ 90 đàn giống (tháng 12/2016) đã tăng lên 625 đàn (tháng 6/2018). Nuôi ong vốn đầu tư ít, không tốn diện tích mà có thể tận dụng được vườn rừng, vườn cây ăn quả để đặt tổ ong. Đầu ra của mật ong rừng luôn ổn định, hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu. Việc nuôi ong đã tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương, với giá thu mua hiện tại 120.000 đ/kg mật thì sẽ tạo thu nhập trung bình từ 10 - 40 triệu đồng/năm cho một hộ triển khai mô hình nuôi ong rừng.
Qua hai năm triển khai dự án, nhiều hộ dân đã tăng thu nhập. Hiện nay, dự án mới triển khai trên địa bàn 2 xã của huyện Sốp Cộp, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, tuyên truyền nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, hướng tới xây dựng thương hiệu mật ong rừng của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!