Lợn bản địa là giống lợn thuần chủng đã được bà con xã Sốp Cộp (Sốp Cộp) nuôi từ lâu. Đây là giống lợn có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Nắm bắt điều đó, bà con nhân dân bản Lả Mường, xã Sốp Cộp đã mở rộng quy mô nuôi, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Người dân bản Lả Mường, xã Sốp Cộp chăm sóc đàn lợn.
Trước đây, bà con bản Lả Mường chủ yếu nuôi giống lợn đen, lông dày, thân hình nhỏ, thịt thơm, có khả năng thích nghi tốt với thời tiết khắc nhiệt, song chúng lại có nhiều mỡ, khả năng sinh sản thấp... nên hiệu quả kinh tế không cao, vì thế, bà con chỉ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ.
Năm 2007, gia đình ông Lò Văn Hinh là hộ đầu tiên trong bản tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu lai giống lợn đen bản địa với lợn siêu nạc, tạo ra giống lợn bản địa có trọng lượng lớn hơn, khoẻ mạnh, mà thịt vẫn thơm ngon, lại ít mỡ, phù hợp với thị hiếu trên thị trường. Từ đó, ông Hinh thường xuyên duy trì đàn lợn khoảng 80 con/năm, xuất bán từ 50 đến 60 con, thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Ông Hinh, chia sẻ: Năm 2007, tôi vay vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua vật liệu xây dựng 4 chuồng, diện tích hơn 25 m2 để nuôi con 2 lợn nái, 1 lợn đực làm giống và 20 con lợn thịt thương phẩm. Thức ăn sử dụng ngô, sắn, cỏ tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thuốc tăng trọng, nên thương lái rất ưa chuộng. Đặc biệt, năm 2017, giá lợn xuống thấp, tuy giá lợn bản địa có ổn định hơn, nhưng cũng chỉ đủ chi phí, gia đình tôi đã cố gắng duy trì để khi giá lợn ổn định trở lại, gia đình chủ động được giống lợn, nên không mất nhiều vốn đầu tư để tái đàn.
Nhận thấy mô hình nuôi lợn đen bản địa phù hợp với điều kiện và tập quán chăn nuôi của người dân, lại cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, Ban Quản lý bản đã phối hợp với Chi hội Nông dân tuyên truyền, tổ chức cho bà con đi học hỏi tham quan, trực tiếp tại các mô hình; kết nối và hướng dẫn bà con thủ tục vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; đề nghị các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc đàn lợn, vệ sinh chuồng trại, gắn với bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm; phối hợp với cán bộ thú y xã tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ; vận động bà con liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn hướng tới sản phẩm sạch và tăng giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, Ban Quản lý bản tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ sản xuất; hiện nay, cả bản thường xuyên duy trì gần 200 con lợn địa phương trên 3 tháng tuổi, sản lượng khoảng 12 tấn thịt/năm.
Là một trong những hộ thoát nghèo từ nuôi lợn bản địa, trước đây gia đình ông Tòng Văn Tim phụ thuộc vào 3.000 m² nương ngô, 1.000 m² ruộng lúa. Năm 2010, được bản vận động và được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông mua 1 con lợn nái để chủ động con giống phát triển đàn lợn thịt. Ông Tim cho biết: Vì chỉ sử dụng thức ăn là ngô, sắn nên phải 6-7 tháng mới được bán, nhưng bù lại, lợn được giá cao, gia đình vừa xuất chuồng 7 con lợn, trung bình khoảng 60 kg/con, thu lãi gần 30 triệu đồng.
Mô hình nuôi lợn bản địa ở bản Lả Mường là mô hình tự nguyện có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường của bà con, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở bản xuống 1,8%.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!