Chúng tôi đến thăm điểm trường mầm non và tiểu học ở bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn (Sốp Cộp), chứng kiến những thiếu thốn, vất vả của các thầy cô giáo nơi đây, khiến chúng tôi càng khâm phục trước những nỗ lực của giáo viên cắm bản vùng cao, ngày đêm miệt mài, cống hiến để ươm những mầm xanh nơi vùng cao biên giới.
Giờ học của cô và trò điểm trường Nậm Lạn, Trường Mầm non hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp).
Trời hửng sáng, thầy giáo Tòng Văn Hương đã có mặt ở Trung tâm xã Mường Lạn để đón chúng tôi đến điểm trường lẻ Nậm Lạn. Thầy Hương bảo: Hôm nay trời nắng nên đường bớt trơn sẽ dễ đi hơn, nhưng vẫn khá vất vả đấy. Mới chớm thu, nhưng ở đây thời tiết đã lạnh hơn. Con đường gần 20 cây số từ trung tâm xã Mường Lạn vắt vẻo, chênh vênh lưng chừng núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thẳm, có nhiều đoạn chỉ vừa bánh xe máy, do trời mưa nên nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt. Mặc dù chiếc xe máy của tôi được trang bị đôi lốp địa hình, nhưng không phát huy tác dụng, nhiều đoạn thầy giáo phải trợ giúp mới qua được những vũng bùn lầy lội. Sau gần 2 tiếng, Nậm Lạn hiện ra trước mắt chúng tôi ở bên kia ngọn núi, thấp thoáng là những nóc nhà đã cũ của các hộ đồng bào dân tộc Mông; lưng chừng đồi là nhà lớp học mầm non mới được đưa vào sử dụng từ năm trước vẫn còn mới, nổi bật giữa đại ngàn vùng cao. Trên sân trường, các em học sinh bậc mầm non, tiểu học đang làm quen với bộ đồ chơi ngoài trời mới vừa được Đồn Biên phòng Mường Lạn tặng.
Thấy chúng tôi đến, đám trẻ đang chơi đều dừng lại khoanh tay lễ phép chào. Ngày đầu năm học mới mà chẳng học sinh nào có quần áo mới xúng xính như ở thành thị, gương mặt ngây thơ, lấm lem bùn đất nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên đôi môi của các em. Thầy Hương bảo: Hiện, tôi đang dạy 2 lớp ghép lớp 1 và 2, với 16 học sinh phải ngồi quay lưng vào nhau. Do chưa có nhà lớp học nên chúng tôi phải mượn nhà văn hóa của bản. Đầu năm nay, được dân bản giúp đỡ dựng một nhà tạm rộng chừng 20 m² vừa để làm bếp, vừa làm chỗ ở. Do các hộ ở rải rác, không tập trung nên để kịp giờ học, nhiều khi tôi phải đến các hộ ở xa để đón các em đến lớp, nên 8 giờ mới bắt đầu buổi học, nhất là vào ngày thời tiết xấu thì 9 giờ mới bắt đầu. Truyền đạt kiến thức cho trẻ vùng cao khó khăn hơn rất nhiều so với khu trung tâm, bởi bất đồng ngôn ngữ, về nhà phụ huynh cũng không biết dạy thêm cho trẻ. Nhất là thời điểm sau nghỉ hè, các em dễ quên kiến thức nên vào năm mới, hầu như chúng tôi phải dạy lại. Bồi dưỡng hè cho các em là điều không thể, vì các cháu hay theo bố mẹ làm nương, chỉ có thể phụ đạo vào các buổi chiều trong tuần khi vào năm học thôi...
Thầy giáo Tòng Văn Hương và các em học sinh trong một tiết học.
Cô giáo Lò Thị Ngoan đã công tác trong nghề được 8 năm, nhà ở xã Sam Kha (Sốp Cộp); năm 2017, cô theo chồng đến sinh sống và làm việc ở Mường Lạn. Cô Ngoan chia sẻ: Tôi đã dạy ở nhiều điểm trường khó khăn ở các xã khác, nhưng đường lên bản này còn khó hơn nhiều. Do con cái còn nhỏ nên ngày nào tôi cũng phải đi về trong ngày; rồi sáng phải dậy thật sớm chuẩn bị để 5 giờ 30 phút có thể từ nhà đến trường. Lớp tôi có 30 cháu, từ 3-5 tuổi nhưng phải học ghép. Để các cháu trong độ tuổi được đến lớp đầy đủ, vào đầu tháng 8, tôi cùng Ban quản lý bản để vận động trẻ ra lớp. Mặc dù lớp học đã được đầu tư xây dựng, nhưng ở đây vẫn thiếu nước sạch, thiếu điện, đường đi lại chưa thuận tiện... nên việc dạy và học bị hạn chế rất nhiều. Điều chúng tôi lo lắng là năm nay, lớp vẫn còn 2 cháu không có hộ khẩu, 5 cháu không có giấy khai sinh, mặc dù Ban giám hiệu nhà trường đã đến từng nhà đã vận động phụ huynh làm các thủ tục để trẻ được hưởng lợi từ các chế độ của Nhà nước nhưng rất khó, bởi họ thường xuyên đi làm nương rất sớm.
Sân chơi của học sinh điểm trường Nậm Lạn.
Tìm hiểu được biết, những ngày thời tiết thuận lợi thì học sinh đến lớp đầy đủ, tuy nhiên, để duy trì sỹ số, nhất là bậc học mầm non, nhiều khi giáo viên phải đến tận nhà đón các cháu. Ở vùng cao này, kinh tế còn khó khăn nên nhiều hộ không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con cái; sáng sớm người lớn đã phải lên nương rẫy, bọn trẻ ở nhà cũng tự phải tìm cái ăn sáng, rồi tự đi học; nhà nào có con cái lớn hơn thì chúng còn dắt em đến lớp, còn lại thì các cháu tự đến trường; đối với các cháu bé quá, thì phần lớn giáo viên phải tự đón và trả về nhà sau ngày đến trường. Hôm nào mưa to, đường khó đi hơn, giáo viên đành phải cho trẻ nghỉ học vì sự an toàn của trẻ và họ cũng không thể về nhà được, ăn ngủ thì tự túc hoặc nhờ nhà dân. Nếu có việc gấp bắt buộc phải về thì chỉ còn cách đi bộ. Anh Giàng A Lù, Trưởng bản Nậm Lạn, thông tin: Bản có 42 hộ, gần 300 nhân khẩu, được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm khoảng chục hộ cách nhau chừng 2-3 cây số. Cả bản 100% hộ nghèo, nhưng đáng mừng là năm học nào các cháu cũng ra lớp đầy đủ, không có cháu nào bỏ học. Trước khi khai giảng, bản huy động thanh niên, phụ huynh dọn dẹp lớp học. Bà con rất mong sớm có nước sạch, điện, đường vào bản để việc học của các con em đỡ vất vả hơn.
Hiện nay, cơ sở vật chất của lớp tiểu học ở Nậm Lạn còn tạm bợ, đồ dùng học sinh còn thiếu, bàn ghế, bảng đều đã cũ nát. Nhà trường đã xin nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên nhưng do điều kiện huyện còn nghèo nên vẫn chưa được, trong khi đó, cả xã vẫn còn 7 lớp tiểu học tạm, khu trung tâm vẫn thiếu 4 lớp học. Riêng cơ sở vật chất của bậc mầm non thì đỡ vất vả hơn, bởi hầu hết các điểm trường đã và đang được ưu tiên đầu tư xây dựng kiên cố. Cô giáo Trần Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non hoa Phong Lan, xã Mường Lạn, cho biết: Những năm trước, đây là điểm trường khó khăn nhất so với các điểm khác, được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên bây giờ học sinh đã có nhà lớp học kiên cố. Trung tuần tháng 4, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với các đoàn từ thiện tặng điểm trường Nậm Lạn 1 tivi, 2 quạt điện, 2 bộ điện năng lượng mặt trời, khu vui chơi ngoài trời trị giá trên 100 triệu đồng; đồ dùng học tập cũng được nhà trường mua sắm đầy đủ hơn. Tuy nhiên, vấn đề đi lại từ trung tâm đến các điểm trường vẫn vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào những ngày mưa...
Rời Nậm Lạn, chúng tôi mang theo nhiều trăn trở về những khó khăn, vất vả của người dân và những thầy cô giáo đang giảng dạy nơi đây... Tín hiệu đáng mừng đầu tiên là điện lưới quốc gia đã bắt đầu được kéo về đến trung tâm bản, dự kiến hết năm nay Nậm Lạn sẽ có điện. Có điện, có nước sạch sinh hoạt và đường giao thông thuận tiện, tin rằng việc theo học con chữ của những đứa trẻ ở Nậm Lạn sẽ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!