Hướng tới Ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7/1950-15/7/2016), chúng tôi tìm gặp những cựu TNXP năm xưa tham gia mở đường về huyện Sốp Cộp, nghe chuyện “phá đá, mở đường” đầy gian khổ, hiểm nguy nhưng hết sức vinh dự, tự hào.
Đường về Sốp Cộp hôm nay.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là ông Lò Văn Thưởng, bản Sốp Nậm, xã Sốp Cộp, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên xung phong từng mở đường về Sốp Cộp năm xưa. Câu chuyện của ông làm chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí sắt đá, vượt qua mọi vất vả, gian lao của các TNXP để mở đường thành công. Ngày đó, Sốp Cộp còn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sông Mã. Muốn đến đây chỉ có con đường mòn độc đạo băng qua rừng núi trùng điệp và phải đi bộ mất cả ngày đường. Vào tới xã Sốp Cộp rồi mới có thể đến được các xã Mường Và, Mường Lạn, Nậm Lạnh, Dồm Cang, Púng Bánh, Sam Kha, Mường Lèo. Thế nên, nếu không do công việc bắt buộc thì rất ít người muốn vào vùng đất này. Thực hiện chủ trương của tỉnh, năm 1964 bắt đầu mở đường từ trung tâm huyện Sông Mã đến xã Sốp Cộp. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, năm 1968 tỉnh ta kêu gọi thanh niên địa phương tham gia TNXP (2 đợt vào tháng 1/1969 và tháng 7/1969), đã có hơn 200 nam nữ thanh niên của huyện Sông Mã đăng ký tham gia. Đội TNXP nhận nhiệm vụ tại công trường 8, cùng với lực lượng dân công hỏa tuyến các huyện mở 30 km đường từ trung tâm huyện Sông Mã đến xã Sốp Cộp. Trong đó, lực lượng TNXP đảm nhiệm ở những đoạn khó nhất là cầu Khua Họ, dốc Khe Sanh và Cổng Trời.
Ông Thưởng kể: Ngày đó, chưa có máy móc, phương tiện hỗ trợ mở đường như bây giờ, chỉ là búa, xà beng, cuốc, xẻng..., đường làm mới cứ bám theo sườn núi quanh co hiểm trở. Anh em TNXP ở trong những lán trại tạm giữa rừng, nhiều lúc chưa kịp tiếp tế lương thực phải ăn rau rừng, măng đắng, hứng chịu những trận mưa rừng xối xả, cùng những cơn sốt rét, bệnh tật nhưng cũng không ngăn được quyết tâm mở đường của anh em. Sau những giờ làm việc mệt nhọc, hằng đêm, tại các lán trại vẫn vang lên tiếng hát của anh, chị em TNXP. Chính trong điều kiện khó khăn đó, trên công trường ngày ấy đã có nhiều sáng kiến giải pháp đặc biệt, như làm ròng rọc đưa xi măng qua suối xây cầu Khua Họ; dùng dây thừng buộc vào người để xẻ núi, xây kè khu vực dốc Khe Sanh, Cổng Trời...
Có lẽ cũng do duyên số, nên sau khi cùng anh em hoàn thành việc mở đường về Sốp Cộp, năm 1973, ông Thưởng đã đi học Trung cấp giao thông ở Thái Nguyên, đến năm 1978, ông nhận công tác tại Phòng Giao thông, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sông Mã, đến năm 2004 khi tách huyện Sốp Cộp, ông nhận công tác tại Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Trong quá trình công tác ông đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền huyện Sông Mã, Sốp Cộp tham gia mở nhiều tuyến đường quan trọng như đường về xã Mường Lầm, Chiềng Phung, Pú Bẩu, Bó Sinh, Mường Cai (Sông Mã); tuyến đường về xã Sam Kha, Mường Lèo (Sốp Cộp)...
Cũng tham gia TNXP năm ấy còn có ông Quàng Văn Phịnh, bản Nà Lừa (Sốp Cộp) được mệnh danh “lực sĩ” của đơn vị, bởi ông có sức khỏe đáng nể. Ngoài tham gia mở đường, ông còn đảm nhận nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm, trung bình mỗi chuyến ông gánh 50-60kg thực phẩm từ trung tâm huyện Sông Mã vượt gần 20 km đến nơi đơn vị đóng quân tại chân dốc Khe Sanh. Nhắc lại chuyện xưa, giọng ông Phịnh hào sảng hẳn lên: Khi tham gia TNXP mở đường về Sốp Cộp, nhìn những vách đá dựng đứng, ai cũng lo không biết bao giờ xong, trong khi anh em chỉ dùng búa, xà beng, cuốc, xẻng để mở đường, khiến tay ai cũng phồng rộp. Song với quyết tâm cao, chưa đầy 1 năm, anh em TNXP đã hoàn thành những đoạn xung yếu nhất trên tuyến đường về xã Sốp Cộp, góp phần thông tuyến vào năm 1970 trong niềm vui mừng, phấn khởi của cán bộ, nhân dân khu vực này.
Trải quả nhiều năm nâng cấp mở rộng, đường về Sốp Cộp bây giờ đã khác xưa rất nhiều, con đường xã nhỏ bé đã trở thành tỉnh lộ 102. Đặc biệt, từ khi tách huyện Sốp Cộp, những năm 2004-2008, con đường được trải nhựa phẳng phiu. Dốc Khe Sanh, Cổng Trời từng là nỗi khiếp đảm với các lái xe nay đã được hạ dốc, mở rộng cua tạo thuận lợi cho người dân trao đổi lưu thông hàng hóa. Từ một ngày đi bộ, bây giờ chưa đầy 1 giờ đồng hồ là có thể từ Sốp Cộp ra Sông Mã và ngược lại. Con đường đã và đang trở thành động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nghèo Sốp Cộp.
Thời gian có thể xóa nhòa đi nhiều điều, nhưng ký ức của những cựu TNXP về những ngày mở đường về Sốp Cộp vẫn còn mãi. Hình ảnh những TNXP với ý chí quyết tâm, đôi bàn tay rắn rỏi và những dụng cụ xà beng, cuốc, xẻng đã san rừng, bạt núi, phá đá để cung đường huyền thoại với cầu Khua Họ, dốc Khe Sanh, Cổng Trời vẫn hiện hữu... Tất cả vẫn in đậm dấu ấn, minh chứng lịch sử hào hùng, ý chí sắt đá “dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi” của lực lượng TNXP mở đường về Sốp Cộp năm xưa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!