Dồm Cang nỗ lực giảm nghèo

Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã  Dồm Cang (Sốp Cộp) chú trọng tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Mô hình trồng chanh leo tại bản Men, xã Dồm Cang (Sốp Cộp).

Theo ông Cầm Văn Đông, Chủ tịch UBND xã, tỷ lệ hộ nghèo của Dồm Cang vẫn còn ở mức 14,2%, để giảm nhanh số hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con các dân tộc các phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; giúp đỡ, hỗ trợ  các hộ nghèo, cận nghèo để họ tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, xác định rõ từng nguyên nhân, đề ra giải pháp giúp đỡ bảo đảm đúng đối tượng, mục đích.

Trong định hướng phát triển sản xuất, xã tập trung triển khai hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng cụm bản, gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; canh tác các loại cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt; nhân rộng các mô hình, dự án thiết thực, hiệu quả, như: mô hình nuôi bò nhốt chuồng, trồng cây cà phê, chanh leo, xoài, dưa các loại...; vận động bà con thành lập các tổ hợp tác, HTX sản xuất, toàn xã hiện có 3 HTX nông nghiệp, gần 84 ha cây ăn quả, đàn gia súc trên 3.000 con. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, xã đã triển khai kịp thời chính sách tín dụng ưu đãi; thông qua các tổ chức, đoàn thể, hơn 700 hộ của xã được vay trên 22 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất.

Gia đình anh Lò Văn Dính (bản Men), một trong 3 hộ được hỗ trợ nguồn vốn chương trình 30a để thực hiện mô hình trồng chanh leo từ năm 2018. Theo đó, gia đình anh được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi 5.000 m2 ruộng lúa một vụ sang trồng 200 cây chanh leo, vụ đầu tiên thu hoạch được 1,7 tấn quả, trị giá trên 30 triệu đồng. Có vốn, anh tiếp tục mua thêm cây giống, làm giàn để mở rộng sản xuất. Còn gia đình chị Lò Thị Chiến (bản Cang) cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2015, chị được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất trồng ngô sang trồng xoài Đài Loan (Trung Quốc), năm ngoái thu hoạch được trên 3 tấn quả, thu về hơn 40 triệu đồng. Chị Chiến dự kiến vụ năm nay thu hoạch khoảng 4 tấn quả.

Theo lãnh đạo xã Dồm Cang, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực, hoa màu năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, chanh leo..., trồng cỏ voi nuôi bò sinh sản; phối hợp với các ngành chức năng của huyện tư vấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi ong ở các bản vùng cao... tạo điều kiện thuận lợi để bà con  thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới