Dồm Cang mở rộng mô hình trồng chanh leo

Tháng 6/2018, thực hiện chương trình phối hợp liên kết bao tiêu sản phẩm giữa huyện Sốp Cộp với Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp đã triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình trồng chanh leo từ nguồn vốn chương trình 30a tại bản Men, xã Dồm Cang trên diện tích gần 3 ha. Vào thời điểm này, những vườn chanh leo đã rất xanh tốt, hứa hẹn sẽ một vụ bội thu.

 

Nông dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp) chăm sóc vườn chanh leo.

 

Theo bà Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, khi triển khai mô hình, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân xã lựa chọn 3 hộ hội viên nông dân có các thửa đất liền nhau, bảo đảm khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tham gia mô hình; các hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống chanh leo Đài Nông I, 50% số trụ bê tông và phân bón, tổng trị giá 162 triệu đồng.

Với vai trò “cầu nối” hỗ trợ nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác mới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp cây giống kịp thời để triển khai mô hình đúng thời vụ; cử cán bộ trực tiếp xuống vườn hướng dẫn bà con cách dựng giàn, kỹ thuật khử chua, ủ phân chuồng bón lót, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây đúng kỹ thuật và theo dõi quá trình phát triển của cây, kịp thời phát hiện, phòng chống sâu bệnh hại; đặc biệt, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Cây chanh leo dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết trên địa bàn, vốn đầu tư giàn, giống cây không lớn, sau 4-5 năm thu hoạch mới phải trồng lại, chanh leo cho thu liên tục từ 8-10 tháng trong năm, việc thu hái cũng thuận tiện, không phải chạy theo mùa vụ như cây trồng khác. Giống chanh leo Đài Nông I được cung cấp bởi Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc có khả năng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ cho quả to, trung bình khoảng 12 quả/kg.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng tích cực bám sát cùng hội viên theo dõi sát sự phát triển của mô hình; hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay, như quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng chính sách xã hội; tuyên truyền bà con trong xã học tập, xây dựng mô hình chanh leo... Là một trong ba hộ tham gia mô hình, chị Vì Thị Thuận chia sẻ: Tham gia thực hiện mô hình trên diện tích 1 ha, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đầu tư thêm gần 100 triệu đồng. Trong đó, vay từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện 30 triệu đồng để làm thêm 50 cột bê tông, mua dây thép và 1 tấn phân bón trồng hơn 450 gốc chanh leo. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, toàn bộ diện tích chanh leo sinh trưởng phát triển tốt, lứa đầu tiên thu hoạch 2,6 tấn quả, thu về gần 40 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đang chuẩn bị thu hoạch lứa quả thứ 2, dự kiến khoảng 3,5 tấn.

Sau hơn 8 tháng triển khai mô hình trồng chanh leo trên địa bàn xã Dồm Cang, bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhiều hộ nông dân trong xã đã thực hiện chuyển đổi đất trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng chanh leo, đến nay diện tích chanh leo toàn xã đã được mở rộng lên gần 5 ha. Để cây chanh leo ở Dồm Cang thực sự phát triển bền vững, cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các ngành trong việc định hướng sản xuất; triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, vốn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người dân thực sự yên tâm sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Như vậy, cây chanh leo sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Dồm Cang.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới