Những cánh đồng lúa chín vàng đang kỳ thu hoạch, những nương ngô, nương sắn trải dài xanh tốt, đồi cây ăn quả trĩu cành, nhà cửa, đường sá được xây dựng khang trang, đó là bức tranh hôm nay của xã Púng Bánh (Sốp Cộp).
Đường giao thông nội bản Liềng, xã Púng Bánh (Sốp Cộp) được bê tông hóa.
Ông Tòng Văn Tiên, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trước đây, hơn 14 km từ huyện về xã toàn bộ là đường đất, mùa khô thì bụi nhưng vẫn còn đi lại được, chứ mùa mưa thì đường lầy lội, buộc xích vào bánh xe máy mà vẫn trơn trượt, có nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm, gây ách tắc giao thông. Vì thế, mà đời sống của đồng bào dân tộc Thái, Mông ở đây cũng rất khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trồng lúa, ngô, sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ để phục vụ cuộc sống gia đình, trình độ dân trí thấp, điều kiện sống, sinh hoạt thiếu thốn. Bây giờ khác rồi, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuối năm 2016, tuyến đường Sốp Cộp đi Púng Bánh được hoàn thành, giúp bà con đi lại thuận tiện, hoạt động giao thương được mở rộng, diện mạo mọi mặt của xã đổi thay nhanh chóng.
Púng Bánh hiện đang tập trung duy trì các loại cây lương thực có hạt, bà con thâm canh trên 185 ha lúa nước, 146 ha lúa nương, 70 ha ngô, 850 ha sắn và một số loại cây khác. Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, năng suất cây trồng tăng, gia đình nào cũng đủ gạo ăn, có ngô, sắn chăn nuôi gia súc. Phát huy lợi thế có nhiều phiêng bãi rộng, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới... xã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giống vật nuôi, kỹ thuật để bà con phát triển các mô hình chăn nuôi đàn gia súc theo hướng tập trung như mô hình nuôi ngựa bạch, mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình truyền giống lợn đực... toàn xã hiện có 2.617 con trâu, 1.740 con bò, 169 con ngựa và 3.299 con lợn trên 3 tháng tuổi. Từ chăn nuôi gia súc, nhiều hộ đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm như gia đình các ông Tòng Văn Phượng (bản Bánh), Cầm Văn Quân (bản Púng), Lò Văn Dung (bản Nghịu)... Xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 1.400 hộ vay trên 48 tỷ đồng vốn ưu đãi, để phát triển các mô hình sản xuất. Ngoài ra, xã còn phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, trồng cỏ voi chủ động nguồn thức cho ăn cho gia súc, kỹ thuật ủ phân chuồng bón cho cây trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, chiết ghép, cải tạo vườn tạp... giúp bà con dần chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới.
Bản Liềng là một trong những bản trồng nhiều cỏ voi, chăn nuôi bò vỗ béo nâng cao thu nhập, bản hiện có 217 con trâu, 125 con bò. Ngoài ra, bà con trong bản thâm canh trên 75 ha đất nông nghiệp (23 ha ruộng lúa, 7 ha ngô, 29 ha sắn, 10 ha cỏ voi, cỏ chít và một số loại cây khác). Thu nhập bình quân của bản đạt 25 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 35 hộ. Anh Lò Văn Long thoát nghèo từ nuôi bò vỗ béo trong bản, cho biết: Năm 2015, tôi vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua 2 con bò giống. Được xã tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng cỏ voi nuôi bò, tôi chuyển đổi 5.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cỏ. Bây giờ, gia đình có 4 con bò và nuôi thêm 1 con trâu, thu nhập của gia đình là 100 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Không chỉ vậy, Púng Bánh còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển rừng. Xã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng sơn tra, các vùng thấp thì trồng cây ăn quả có múi, nhãn, xoài... Hiện, tổng diện tích cây ăn quả của xã là 360 ha, trong đó 255 ha sơn tra, 22 ha nhãn, 13 ha xoài, 16 ha cam, quýt, bưởi và một số cây ăn quả khác. Đây là niềm hy vọng mới cho bà con nông dân trong xã.
Tuy còn nhiều khó khăn, song nông thôn Púng Bánh đã mang diện mạo mới, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ như trụ sở làm việc UBND xã, Trạm Y tế, đường giao thông đến các bản, điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt... Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều công trình công cộng đã được xây dựng như các tuyến đường nội bản, cầu treo đến bản, nhà văn hóa. Riêng trong 6 tháng đầu năm, nhân dân đã đóng góp vật chất, nhân lực bê tông hóa 9,5 km đường nội bản, sửa chữa 2 cây cầu treo bản Púng Cườm và bản Bánh. Xã đã đạt 7/19 tiêu chí, 27/49 chỉ tiêu, phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành 3 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!