Điện về sáng bản vùng cao

Trung tuần tháng 4, chúng tôi có dịp về các bản vùng cao của xã Mường Và (Sốp Cộp), chứng kiến cuộc sống nhiều đổi thay của bà con nơi đây sau gần nửa năm điện lưới quốc gia về bản.

Có điện lưới quốc gia, bà con bản Phá Thóng đã được xem các chương trình truyền hình.

Bản Phá Thóng dù cách trung tâm xã Mường Và hơn 20 km, nhưng là một trong 6 bản vừa được cấp điện lưới quốc gia cuối năm 2018. Đây là bản của 60 hộ đồng bào dân tộc Mông, sản xuất chủ yếu là làm nương rẫy và chăn nuôi, vì thế, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Những năm trước, không có điện nên bà con gặp muôn vàn vất vả, khó khăn, cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần; hầu như ở đây cái gì cũng gắn với từ "không": Không điện sáng, không đài, không ti-vi, không điện thoại thông tin liên lạc, không tiếng trẻ học bài..., nhà nào cũng dùng đèn dầu thắp sáng, “sang” lắm là đèn chạy pin năng lượng mặt trời, nhưng chỉ thời gian ngắn là hỏng. Cả bản lúc nào cũng im lìm, lặng lẽ...

Tháng 10/2017, Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã triển khai tới 6 bản vùng cao khó khăn của xã Mường Và, gồm: Pá Vai, Phá Thóng, Huổi Dương, Púng Pảng, Huổi Niếng, Huổi Mẹt. Công trình xây dựng với quy mô hơn 20 km đường dây trung áp 35kV, hơn 11 km đường dây hạ áp 0,4kV và 6 trạm biến áp tại 6 bản cùng với lắp đặt công-tơ, bảng điện, cầu dao, bóng điện đến từng hộ gia đình. Sau hơn một năm thi công, 273 hộ dân và các điểm trường, nhà văn hóa của 6 bản đã được sử dụng điện lưới quốc gia, niềm mong mỏi bấy lâu của bà con đã trở thành hiện thực. Chỉ sau mấy tháng có điện lưới quốc gia, bà con đã mua sắm nhiều đồ dùng điện trong gia đình, như ra-di-ô, ti-vi, bếp điện, nồi cơm và các loại máy sử dụng điện, như: máy xay xát, máy cắt, chế biến thức ăn chăn nuôi... Cán bộ, công nhân viên Điện lực Sốp Cộp đến tận nhà hướng dẫn bà con các phương thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Qua các chương trình truyền hình, phát thanh, bà con còn nắm bắt thêm nhiều thông tin quan trọng, hữu ích, nhất là việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế... 

Phấn khởi khoe với chúng tôi chiếc điện thoại di động mới mua, Trưởng bản Huổi Dương, anh Lẩu Vả Dau vui lắm: Trước đây, không có điện thì đành chịu. Mỗi khi cần họp hay thông báo các thông tin cần chỉ đạo, cán bộ xã phải đi bộ đến tận nơi báo cho các cán bộ bản biết; bản có việc muốn báo cáo với xã cũng phải đi hơn chục cây số. Giờ thì không phải thế nữa, cứ gọi điện thoại là được mà. Còn thầy giáo Vì Văn Mừng, Trường Tiểu học - THCS Nà Khoang đã gắn bó với điểm trường bản Phá Thóng nhiều năm qua, cũng chia sẻ: Điểm trường Phá Thóng có 2 lớp, 52 học sinh. Từ khi có điện, các em học sinh thuận lợi hơn rất nhiều trong việc học bài, làm bài tập. Nhờ thế, chất lượng dạy và học của nhà trường được nâng lên; trong học kỳ I, tất cả các em học sinh đều hoàn thành chương trình học.      

Có điện lưới quốc gia, không chỉ thắp sáng bản làng, mà còn mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức đến với đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với sự hỗ trợ từ các dự án đầu tư của Nhà nước, bà con 6 bản vùng cao xã Mường Và đã được tiếp cận nhiều hơn với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện; nắm được các thông tin, khoa học kỹ thuật, để áp dụng trong lao động sản xuất, nhanh chóng thoát nghèo.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới