Cây sa nhân tím trên đất Nậm Lạnh

Nếu trước đây, người dân trên địa bàn huyện Sốp Cộp chỉ biết có cây sa nhân đỏ, thì bây giờ họ vừa biết thêm cây sa nhân tím - loại cây hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, mức đầu tư ít. Cách đây 2 năm, những cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sốp Cộp đã đưa loại cây này về trồng thử nghiệm ở xã Nậm Lạnh, hiện giờ đang vào mùa thu hoạch cây sa nhân tím, mang lại tín hiệu vui cho người nông dân.

Người dân bản Mới, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) chăm sóc vườn sa nhân tím.

Sa nhân tím là loại cây thân thảo, sống lâu năm, cao 1,5 - 2,5 m; ưa ẩm ướt, thường mọc thành đám ở ven rừng, dọc các khe suối; cây có khả năng đẻ nhánh khỏe từ thân rễ; cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 7 và tháng 10. Cây sa nhân tím thường được dùng trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm hoặc làm gia vị. Theo chân anh Vì Văn Định, Chủ tịch UBND xã Nậm Lạnh đến vùng trồng thử nghiệm cây sa nhân tím tại bản Mới, anh Định cho biết: Tháng 8/2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sốp Cộp đã đưa cây giống lên trồng thử nghiệm ở đây, huyện đã đầu 100 triệu từ nguồn vốn Chương trình 135, hỗ trợ 15 hộ trồng 10ha cây giống. Theo cán bộ kỹ thuật, sau 3 năm, cây sẽ cho quả, nhưng ở đây mới 2 năm, người dân đã được thu hoạch. Biết tin, một số người dân trong vùng và các xã Mường Lạn, Mường Và đã mua giống về trồng thử, thấy phát triển rất tốt. Diện tích thử nghiệm được trồng tập trung, liền khoảnh dưới tán rừng, vừa bảo vệ được rừng, vừa hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế. Đã có người từ địa phương khác vào tìm nguồn để mua, giá dao động từ 500-700 nghìn đồng/kg quả khô; quả tươi cũng bán được từ 50-60 nghìn đồng/kg. Anh Lò Văn Loan, Trưởng bản Mới, thông tin: Gia đình có 1 ha đất rừng, được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng mua cây giống, tôi trồng kín sa nhân tím. Rừng chỉ cách nhà khoảng 1km nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch.

Ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sốp Cộp, cho biết: Nguồn giống sa nhân tím được lấy từ Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Hà Nội) về trồng thử nghiệm ở xã Nậm Lạnh. Loại cây này rất dễ trồng dưới tán rừng, cũng có thể trồng xen diện tích cây ăn quả. Qua nghiên cứu, đơn vị thấy thổ nhưỡng của xã rất phù hợp, vì đây là giống mới nên mới đưa vào trồng thử, ở địa phương khác, sau 3 năm, sa nhân tím mới cho quả, nhưng ở đây chỉ sau hai năm đã có sản phẩm. Qua thực tế, năm đầu ra bói, 10 ha chỉ thu hoạch khoảng 500 kg quả tươi, từ năm sau sẽ cho thu hoạch khoảng 350-400 kg quả khô/ha, tùy thuộc vào sự chăm sóc của người dân. Đối với việc cây mọc dày, do đang trồng khảo nghiệm nên chưa trồng theo chuẩn kỹ thuật, sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, đơn vị sẽ hướng dẫn bà con tỉa cây. Đối với địa bàn xã khác, đơn vị cũng đã nghiên cứu thấy đều phù hợp, dự kiến sẽ thí điểm mỗi xã khoảng 10ha để làm mẫu, sau đó bà con sẽ tự nhân rộng, đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật. Đây là loại cây mới nên cần có thời gian để đánh giá thị trường.

Căn cứ thực tế, có thể khẳng định cây sa nhân tím hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Sốp Cộp. Để loại cây này trở thành cây cây thoát nghèo, có giá trị kinh tế cao, Sốp Cộp cần lập vùng quy hoạch, hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là tìm đầu ra cho sản phẩm... để vừa bảo vệ được rừng, vừa tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới