Cây cam Nà Mòn

Cứ đến tháng 10, tháng 11 là bản Nà Mòn, xã Mường Và (Sốp Cộp) lại tấp nập tiểu thương tới các vườn thu mua cam. Nhờ phát triển cây cam địa phương mà đời sống của các hộ dân trong bản Nà Mòn đã được cải thiện khá rõ rệt.

 

Nông dân bản Nà Mòn chăm bón vườn cam.

Nà Mòn vốn là bản thuần nông của 76 hộ đồng bào dân tộc Thái. Bản có hơn 20 ha lúa, 11 ha ngô, 29 ha sắn; bởi vậy, cuộc sống của bà con không mấy dư dả. Năm 2014, anh Lò Văn Cương tiên phong trồng thử nghiệm 70 gốc cam địa phương trên 3.000 m2 đất vườn. Nhờ hợp đất, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, cam cho quả ngọt, mọng nước được thương lái khắp nơi ưa chuộng, thấy vậy một số hộ khác cũng làm theo cách chuyển đổi sản xuất của anh Cương.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cam của anh Cương, Ban quản lý bản đã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây cam trên đất dốc; rà soát, bình xét, hoàn thành hồ sơ để các hộ nghèo nhận cây cam giống, phân bón từ các chương trình 30a, 135; vận động bà con, nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cam do xã tổ chức, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng cam trong xã; vận động bà con liên kết hộ sản xuất hình thành HTX. Đến nay, bản có hơn 20 ha cam, trong đó gần 9 ha đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt 12 tấn/ha. HTX Nông nghiệp Duy Lợi được hình thành từ bảy hộ dân bản Nà Mòn góp sức, góp công thành lập năm 2016, chuyên canh cây cam. Đây là mô hình liên kết hộ sản xuất cam đầu tiên ở bản Nà Mòn. HTX hiện có 8 ha cây cam (4 ha đã cho thu hoạch). Năm nay, HTX thu hoạch gần 50 tấn cam, trị giá khoảng 1 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 150 triệu đồng/hộ/năm. Duy Lợi là HTX tiên phong từng bước ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, bắt đầu từ việc không sử dụng thuốc trừ cỏ và hạn chế thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Vì Văn Dinh, thành viên HTX Nông nghiệp Duy Lợi, vui vẻ: Gia đình tôi có hơn 2.100 m2 trồng giống cam địa phương trồng từ cuối năm 2014. Năm nay, gia đình tôi thu gần 3 tấn cam, thương lái vào tận vườn mua cam với giá dao động từ 32 đến 35 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, thu lợi khoảng 80 triệu đồng. Tôi đang đầu tư chuyển đổi 3.000 m2 đất trồng sắn sang trồng cam theo tiêu chuẩn kỹ thuật chung của HTX để giá cam ổn định hơn.

Trưởng bản Vì Văn Diêm dẫn chúng tôi đến mô hình trồng cam có lắp đặt hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai hỗ trợ theo nguồn vốn chương trình 30a, trị giá hơn 500 triệu đồng cho 4 hộ nghèo tại bản. Mô hình hiện đang hoàn thiện công trình bể chứa và đường ống dẫn nước. Ông Diêm cho biết: Mô hình trồng cam hỗ trợ cho các hộ nghèo vừa giúp các hộ có phương thức sản xuất mới, vừa là một hình thức chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con trong bản học hỏi mở rộng. Chúng tôi hy vọng Nà Mòn trở thành vùng trồng cam theo tiêu chuẩn sạch, áp dụng công nghệ cao.

Chuyển đổi sang trồng cam, đã và đang giúp bà con bản Nà Mòn có phương thức sản xuất mới, tăng thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong bản từ 14% xuống còn 11%.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới