Xuôi dòng sông Mã

Dịp này, về huyện Sông Mã, tôi thực hiện một chuyến xuôi theo dòng sông Mã huyền thoại để cảm nhận thêm sức sống nơi đôi bờ sông soi bóng núi Mường Hung.

Vùng nhãn Chiềng Cang bên bờ sông Mã.

Từ ngã ba sông thuộc bản Pắc Ma, xã Bó Sinh (Sông Mã) - nơi 2 nhánh sông (một nhánh chảy từ mạn Điện Biên Đông và một nhánh chảy từ Tuần Giáo (Điện Biên) hợp lưu thành dòng sông Mã. Chúng tôi xuôi dòng trong nắng hè chói chang. Háo hức với chuyến đi trải nghiệm, chúng tôi men theo những cung đường bụi đỏ chạy dọc sông, đi qua những hàng tre xanh ôm trọn các làng bản hai bên bờ. Qua địa phận xã Pú Bẩu, lòng sông lởm chởm đá, nhấp nhô tạo thành nhiều ghềnh thác hung dữ, nhưng có đoạn lại hiền hòa thơ mộng trải dài theo cồn cát trắng, đẹp lạ lùng. Đến địa phận xã Chiềng En, dòng sông bị chia thành nhiều nhánh nhỏ bởi những cồn cát sỏi, cuội trắng. Các nhánh sông nhỏ này được bà con xếp đá thành trụ để đặt trục guồng quay, lợi dụng sức nước vận hành cối giã gạo, nối dài cả mấy trăm mét, kẽo kẹt cùng năm tháng. Sáng sớm, những đám thanh niên trai tráng đi thăm lưới, quăng chài; chị em í ới gọi nhau ra sông bốc gạo giã qua đêm, không khí nhộn nhịp nhưng rất đỗi yên bình.

Đến Mường Lầm, nơi này đang hình thành một thị tứ sầm uất với phố xá, chợ, dịch vụ mọc lên san sát, nhộn nhịp. Cánh đồng Mường Lầm trải rộng hút tầm mắt thấp dần ra sông, lúa đã chín rộ. Tiếng động cơ, tiếng còi xe ra đồng thu hoạch lúa và chở nông sản về bản cứ vang vọng hối thúc. Anh Lò Văn Hải, ở bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, nói: Bà con ở đây có câu “cơm cày, cá kiếm”, nghĩa là gạo thì không phải mua, cá thì ra sông đánh bắt, tối về quây quần thưởng thức cá sông nướng vàng thơm lừng nhâm nhi cùng rượu xiêu (đồ), thích lắm!.

Rời Mường Lầm, chúng tôi lên đò xuôi dòng về Nà Nghịu. Qua cầu phao Mường Nưa, xuống bến Nà Dìa, xã Yên Hưng, để trải nghiệm, ngắm nhìn những bãi bờ phù sa đôi bờ xanh mướt những cánh đồng bậc thang, những vườn nhãn trĩu quả. Do lịch trình có hạn, chúng tôi chưa thể lên khám phá quần thể động Ten Ư, xã Chiềng Sơ với 36 hang động mà theo lời bà con kể lại thì nơi đây còn hoang sơ và kỳ bí lắm. Nhưng tiếc hơn cả là chuyến đi không đúng dịp bà con ra sông vớt rêu xanh - món đặc sản sông Mã, bởi mùa này nước sông càng về phía hạ lưu đã bắt đầu đục dần.

Khi mặt trời khuất núi, cũng là lúc chúng tôi về đến thị trấn Sông Mã. Với hệ thống cơ sở hạ tầng được quy hoạch mở mang gắn với xây dựng nông thông mới. Cả 2 bên bờ sông Mã, dự án xây kè đang gấp rút hoàn thành trước mùa lũ. Cầu cứng thay thế cầu treo bắc qua sông Mã đêm về lung linh ánh điện. Bên ly cà phê ngào ngạt tỏa hương nơi  góc quán ven sông thơ mộng về đêm, những câu chuyện về phát triển kinh tế bằng mô hình nhãn ghép, xoài lai, trang trại nuôi trồng thủy sản ba ba gai, nuôi cá lăng, cá lồng, rau sạch... mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm ở các bản Hưng Mai, Quyết Thắng, Nà Nghịu, bản Địa và các tiểu khu, khối, xóm của Thị trấn... được ông bạn công tác ở huyện điểm qua đã lên tới hàng trăm hộ, nghe mà phấn khởi.

Sáng sớm, khi sương còn giăng trên đỉnh Huổi Hưa thuộc xã Mường Cai, cao tới 1.820 m so với mực nước biển, chúng tôi rời Thị trấn xuôi về Chiềng Khương qua địa phận các xã: Chiềng Khoong, Mường Cai, Mường Hung, Chiềng Cang. Lòng sông Mã sau cơn lũ đã đục ngầu phù sa, cuộn chảy tạo thành nhiều cung bậc. Khu vực cây đa Mường Hung (xã Mường Hung), đền thờ Hai Bà Trưng (bản Nam Tiến, xã Chiềng Khương) đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn du khách hành hương trải nghiệm.

Trời về chiều, chúng tôi ghé vào gia đình ông Phạm Quang An, ở bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương, ngay sát bờ sông nghỉ uống nước. Điều bất ngờ là hơn 7 ha bãi bồi trước đây đầy lau lách đã được gia đình ông cải tạo thành trang trại nhãn ghép, xoài lai, mùa này trĩu quả. Ông dự kiến vụ năm nay, trừ chi phí, gia đình thu không dưới tỷ đồng. Chúng tôi còn biết thêm, không riêng ông An, ở Chiềng Khương, hiện có mấy chục hộ thành tỷ phú nhờ trồng nhãn, mía tím và các cây hàng hóa chất lượng cao khác. Nhiều hộ còn khai thác mặt nước sông bằng việc nuôi vịt cổ rụt, món đặc sản ở vùng biên này.

Xuôi qua thác Hát Púa (thuộc bản Búa, xã Chiềng Khương) chúng tôi lên bờ. Đứng trên cây cầu cứng nối đôi bờ Chiềng Khương trên đường vành đai biên giới, ngắm những vườn nhãn xanh ngời trên các bãi bồi ven sông, những vạt ngô đang kỳ vào hạt nặng bắp; bên rìa sông từng đàn trâu, bò ung dung gặm cỏ, đám trẻ trâu ngày nghỉ hè được thỏa sức nô đùa bên những trảng cát mịn màng ven sông thật yên bình và thơ mộng.

Từ thác Hát Púa nhìn xuôi xuống thác Hát Đán, địa phận bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào), dòng sông lại hiền hòa như gửi gắm yêu thương trước khi đổ vào Thanh Hóa để hòa mình vào biển Đông. Kết thúc hành trình xuôi dòng sông Mã, để lại trong tôi nhiều dấu ấn về một dòng sông huyền thoại đang bừng lên sức sống.

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới