Những ngày cuối đông, chúng tôi có dịp được đồng hành cùng với Đoàn Thanh niên thị trấn Sông Mã và Đoàn Trường THPT thị trấn Sông Mã trao quà cho người dân tại bản Chu Vai và Huổi Khoang của xã Nậm Mằn - xã đặc biệt khó khăn của huyện.
Những sống “trâu” trên con đường về bản Huổi Khoang, xã Nậm Mằn (Sông Mã).
Để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, các bạn nam trong đoàn mỗi người chở ít nhất hai thùng đồ, còn các bạn nữ chở ít hơn. Đúng 7 giờ, từ Trường THPT thị trấn Sông Mã, 30 đoàn viên thanh niên bắt đầu hành trình. Đi qua các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Mường Lầm, chúng tôi rẽ theo đường thủy điện Kéo Bắc thuộc bản Púng Khương, là đoạn đường duy nhất của xã được bê tông dài gần 3 km. Vượt qua bao đoạn đường đất, leo dốc, cầu treo; nhiều đoạn, các thành viên trong đoàn phải hỗ trợ nhau đẩy xe... rồi chúng tôi cũng đến được điểm Trường Tiểu học Hua Mằn đặt tại bản Huổi Khoang. Khi chúng tôi đến, đã có rất nhiều người dân cùng trẻ em đang chờ.
Giúp chúng tôi tháo đồ đạc trên xe xuống, anh Quàng Văn Hồng, Bí thư chi đoàn thanh niên bản Chu Vai nói: Ở đây, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt quá, không có ruộng nước nên tỷ lệ hộ đói, nghèo còn cao. Bản có 71 hộ, thì 41 hộ nghèo. Đất ở đây chủ yếu là đất dốc trồng ngô và lúa nương, làm nhiều năm rồi nên đất bạc màu, năng suất thấp lắm. Chúng tôi đang vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém năng suất sang trồng cây ăn quả, chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc.
Tại đây, Đoàn đã trao 100 suất quà, gồm 100 chai nước mắm, 100 gói mì chính, 42 thùng mì tôm và quần áo các loại. Chia sẻ, động viên mong muốn bà con đón một cái Tết đầy đủ, ấm áp hơn. Nhận gói quà của đoàn tình nguyện ông Quàng Thiên Mừng, người dân bản Chu Vai vui lắm: Được đoàn tình nguyện lên trao quà, nhà tôi phấn khởi lắm. Quà nhỏ nhưng động viên chúng tôi nhiều đấy, sẽ cố gắng sản xuất, chăn nuôi để từng bước ổn định cuộc sống.
Cũng qua chuyến tình nguyện, chúng tôi thấy, cuộc sống của bà con nơi đây quả là còn rất nhiều khó khăn, hầu hết các tuyến đường nội bản của xã chủ yếu là đường đất, đi lại vất vả, nhất là trời mưa. Mặt khác, khí hậu khắc nghiệt, thường rét hơn các vùng khác nên sản xuất, chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng, thu nhập bình quân thấp. Nhiều hộ cả năm trời gieo lúa nương cũng chỉ thu hoạch được khoảng 50 bao thóc (khoảng 2 tấn thóc)... Để tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi rời bản Chu Vai, Huổi Khoang về trụ sở Ủy ban nhân dân xã.
Sau cái bắt tay thật chặt, như chia sẻ với các thành viên trong đoàn, ông Lò Văn Thâng, Phó Chủ tịch UBND xã bảo: May là ngày nắng đấy, mưa thì không đi được đâu. Qua ông, chúng tôi được biết, Nậm Mằn có 14 bản, thì 9 bản đặc biệt khó khăn; 4 bản chưa được sử dụng điện lưới; cả xã có hơn 70 km đường giao thông nông thôn (không tính giao thông nội đồng) nhưng đến nay, mới chỉ có 2,8 km được bê tông hóa; cả xã còn 11 cầu treo xuống cấp cần được đầu tư làm mới; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 ở mức 51,93%.
Tiếp lời, đồng chí Lò Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đối mặt với những khó khăn, thách thức, cấp ủy, chính quyền xã đang lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu, cây trồng kém năng suất sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như xoài, mận, nhãn; tận dụng diện tích đất trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho 2.030 con gia súc; bảo vệ hơn 5.000 ha rừng. Để làm được điều đó, ngoài sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền, rất mong cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả để bà con trong xã áp dụng và nhân rộng; hỗ trợ vốn vay cho người dân... Cũng theo lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, xã sẽ được xây dựng một số công trình: Nhà văn hóa bản Nhà Sày, bản Cang; công trình thủy lợi ở các bản: Púng Hày, Cang, Chả, Nậm Mằn; lớp học mầm non bản Huổi Khoảng...
Khi làn sương giăng giăng, khói bếp lan tỏa trong những nếp nhà sàn cũng là lúc chúng tôi rời Nậm Mằn, nhưng trong tôi vẫn canh cánh những trao đổi, định hướng của lãnh đạo xã về bài toán xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Mong rằng, trở lại Nậm Mằn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ được chúng kiến sự đổi thay của vùng đất khó khăn này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!