Ứng dụng công nghệ cao trong trồng, chiết ghép nhãn

“Khi HTX chưa được thành lập, vùng nhãn này không được nhiều người biết đến. Vào mùa thu hoạch, luôn bị thương lái ép giá. Sau khi các hộ dân ở đây đã hợp tác với nhau thành lập HTX, nhằm hỗ trợ nhau trong trồng, chiết ghép và sơ chế nhãn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa sản phẩm nhãn đáp ứng các tiêu chí về VSATTP đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh” - Anh Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX Hưng Lộc, bản Cỏ, xã Chiềng Khương (Sông Mã) một mô hình HTX trồng nhãn ứng dụng công nghệ cao nói với chúng tôi như vậy.

 

Các thành viên HTX Hưng Lộc trao đổi kỹ thuật chăm sóc nhãn.

 

Để hoạt động hiệu quả, Ban quản lý HTX phân công các thành viên phụ trách từng công việc cụ thể từ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đến lai ghép, nhân giống các loại nhãn. Khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp với các loại nhãn, nhất là nhãn ghép, nên các thành viên HTX chú trọng tận dụng mọi nguồn nước, xây thêm bể chứa nước trên đồi cao để dẫn nước tưới theo phương pháp nhỏ giọt tới từng gốc cây. Đồng thời, Ban quản lý HTX cũng chủ động liên kết với các nhà máy sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có uy tín cung cấp vật tư, phân bón theo hình thức trả chậm. Thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức mở các lớp tập huấn cách trồng và chăm sóc nhãn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, hướng dẫn các phương pháp canh tác mới, như: Cắt tỉa và tạo tán vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 7, kết hợp tỉa quả (chùm lớn để khoảng 70-80 quả non, chùm nhỏ để 30-60 quả), cắt bỏ những cành chụm, cành tăm, cành bệnh; cuối tháng 8, tiếp tục tỉa cành sâu bệnh, cành hè quá dài, khi lộc non mọc khoảng 10cm thì tỉa bỏ những lộc yếu, đồng thời, kết hợp bón phân thúc đẩy đợt lộc thu...

Riêng việc bón phân, các thành viên HTX không bón phân tươi trực tiếp vào gốc; đối với phân hữu cơ thì đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ngoài ra, để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây, có thể bón phân qua lá bằng hình thức sử dụng urê 0,2% và kali dihydrophotphat (KH2PO4) 0,2-0,3%, có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng như phun dung dịch axit boric, dung dịch sunphat kẽm, làm tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế rụng quả non...

Trao đổi về ứng dụng công nghệ trong mô hình trồng nhãn. Giám đốc Trần Văn Lộc khẳng định: Chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP, các thành viên HTX nhận được nhiều lợi ích, được tư vấn khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách bón phân, cách sử dụng thuốc trừ sâu không ảnh hưởng tới sản phẩm, bảo vệ được môi trường... Tuy nhiên, từng thành viên phải có nhật ký ghi chép, giám sát, theo dõi chặt chẽ các quy trình, bảo đảm năng suất, chất lượng và mẫu mã quả nhãn. Sản lượng quả nhãn của HTX đã không ngừng được cải thiện, trung bình đạt 15 đến 17 tấn/ha, nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng với giá cao hơn 2-3 lần so với khi chưa áp dụng VietGAP. Nhiều thành viên trong  HTX có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha, như: Trần Văn Lộc, Bùi Sơn Hậu, Trần Văn Chiến, Trần Văn Phát, Nguyễn Thế Vĩnh... Năm nay, nhãn ra hoa nhiều, chúng tôi luôn nhắc nhở các thành viên trong HTX tích cực chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, mùa nhãn này chắc sẽ bội thu.

Mặc dù mới thành lập, nhưng HTX Hưng Lộc đã có những bước đi vững chắc, 20 thành viên với 50 ha nhãn ghép, được áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật thâm canh làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa quả nhãn trở thành hàng hóa không chỉ làm giàu cho các thành viên trong HTX mà còn nhiều hộ dân trên địa bàn đến học tập và làm theo, góp phần đưa thương hiệu “nhãn Sông Mã” trở thành đặc sản được mọi người biết đến, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới