Thương hiệu nhãn vùng biên

Nói đến Sông Mã, người ta nghĩ ngay đến cây nhãn, bởi nhãn nơi đây đã trở thành thương hiệu xuất bán đi thị trường trong và ngoài nước, giúp bà con vùng biên giới một thời nghèo khó nay trở nên giàu có.

 

Ngày hội tôn vinh những người trồng nhãn Sông Mã năm 2018.
Thăng trầm cây nhãn vùng biên 

Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhiều người dân của tỉnh Hưng Yên đã tình nguyện lên Tây Bắc khai hoang lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới. Tới vùng đất lạ, họ không quên mang theo cây nhãn đã từng gắn bó bao đời với họ lên trồng thử. Trên miền đất mới, cây nhãn đã không phụ công người, cứ từng ngày vươn cao rồi đơm hoa kết trái, cho những mùa quả ngọt, thơm ngon không thua kém giống nhãn lồng của quê gốc. Phát huy tiềm năng thế mạnh, những năm 1990, diện tích trồng cây nhãn lồng đã phát triển lên đến hàng trăm ha. Tuy nhiên, cách đây hơn chục năm, nhãn quả mất giá, một phần do thị trường tiêu thụ chưa rộng như hiện nay... việc chăm sóc, đầu tư cho cây nhãn chưa tốt, giống cũ thoái hóa, quả nhỏ nên có nơi bà con chặt bỏ. Mấy năm trở lại đây, với những chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả, lai, ghép các giống cây cùng với việc bà con quyết tâm cải tạo lại vườn nhãn, dùng gốc nhãn cũ, cưa cành ghép giống nhãn mới. Để rồi hôm nay, vùng nhãn Sông Mã đã tìm lại được “chỗ đứng”, bởi nhãn ghép cho quả to, ngon, cùi dày, năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần giống  nhãn cũ, không ít người trồng nhãn ở đây thu tới hàng tỷ đồng/năm, mở ra hướng làm ăn mới cho người trồng nhãn.

Tìm hiểu về cây nhãn, chúng tôi đến Chiềng Khương, xã biên giới đầu tiên của huyện Sông Mã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên những con đường bê tông nội bản, liên bản sạch đẹp, rộng rãi uốn lượn theo những đồi nhãn đang mùa trữu quả. Tới thăm gia đình anh Đoàn Ngọc Sáng, bản Cỏ (thành viên của HTX nông nghiệp An Phú) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi mà vợ chồng anh xây dựng nhờ thu nhập từ thâm canh cây nhãn. Anh Sáng cười: Có được ngôi nhà này là từ nhãn cả đấy! Ban đầu chưa nắm vững kỹ thuật, không biết cách chăm sóc nên quả nhãn cứ thâm đen mà không biết xử lý ra sao. Thế là vợ chồng tôi về quê Hưng Yên học kinh nghiệm trồng, chăm sóc nhãn. Đồng thời, đăng ký dự các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, tìm hiểu thêm ở một số hộ đã trồng nhiều năm trên địa bàn để học tập kinh nghiệm, rồi còn tìm đọc sách, báo hiểu thêm nên bây giờ đã có thể biết chút ít về kinh nghiệm trồng, chăm sóc cũng như xử lý một số bệnh hại cây nhãn thường gặp. Nhờ vậy, mấy năm gần đây cây nhãn phát triển tốt, lại được cán bộ khuyến nông huyện về hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, nên năng suất, chất lượng đảm bảo (năng suất ước đạt 13 - 15 tấn/ha), quả nhãn thơm, ngon, được các doanh nghiệp, thương lái đến đặt hàng, tiêu thụ với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Trung Vực, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương nói thêm: Để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, với những vườn nhãn lâu năm, xã đã tuyên truyền, vận động bà con khắc phục tình trạng nhãn bị thoái hoá bằng cách chặt bớt một phần các cành cây, rồi lai ghép với những giống nhãn chất lượng cao. Những diện tích nhãn trồng mới, xã vận động bà con chuyển sang trồng giống nhãn ghép, được mua ở các cơ sở sản xuất giống tại Hưng Yên, Hà Nội và trên địa bàn tỉnh có uy tín. Hiện, Chiềng Khương có hơn 700 ha (gần 350 ha nhãn ghép đã cho thu hoạch). Bây giờ, không chỉ Chiềng Khương mà hầu hết các xã trong huyện đã chuyển mạnh sang thâm canh, lai ghép nhãn chất lượng cao, tạo thành hướng phát triển kinh tế chủ lực của bà con nơi vùng cao biên giới.

Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nhãn là cây đang có thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế, nên tại Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định; “Tập trung phát triển cây ăn quả trong chuyển đổi cây trồng trên đồi đất dốc, phấn đấu đến năm 2020, có 9.435 ha cây ăn quả các loại, trong đó, trên 7.000 ha nhãn; tập trung nhân rộng mô hình nhãn ghép, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả an toàn. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, coi cây nhãn là một trong những cây đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân”.

Thu hoạch nhãn ở xã Chiềng Khương (Sông Mã).

Thực hiện triển khai nghị quyết, những năm gần đây Sông Mã dồn lực tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt đã đưa các giống nhãn ghép vào phát triển đại trà, mang lại hiệu quả thiết thực. Để minh chứng cho hướng đi đúng, chúng tôi đến thăm HTX nông nghiệp Hưng Lộc (Chiềng Khương), tìm hiểu về cuộc sống của những người trồng nhãn nơi đây. Giám đốc HTX, ông Trần Văn Lộc cho hay: HTX hiện có 20 thành viên với 50 ha nhãn ghép. Từ khi áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật VietGAP, sản lượng quả nhãn của HTX đã không ngừng được nâng lên, trung bình đạt từ 15 đến 17 tấn/ha, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng với giá cao hơn 2 - 3 lần so với khi chưa áp dụng quy trình VietGAP, đưa quả nhãn trở thành hàng hóa không chỉ làm giàu cho các thành viên trong HTX mà còn nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn đến học và làm theo. Nhiều thành viên trong HTX thu nhập từ 400- 500 triệu đồng/ha, như gia đình các anh Bùi Sơn Hậu, Trần Văn Chiến, Trần Văn Phát, Nguyễn Thế Vĩnh... 

Còn tại xã Chiềng Khoong, người dân phấn khởi vì nhãn được mùa, được giá. Cả xã có gần 750 ha nhãn, trong đó trên 500 ha nhãn ghép đã cho thu hoạch. Vụ nhãn năm nay, Chiềng Khoong thu trên 10.000 tấn quả, trị giá gần 150 tỷ đồng. Ông Đặng Văn Thửa, Trưởng bản Hải Sơn I nói: ở bản này nhà nào cũng trồng nhãn, nhà ít cũng 50 - 70 cây, nhà nhiều thì có tới 3 ha. Riêng nhà tôi cũng  gần 2 ha nhãn ghép, vụ thu này gần 35 tấn quả, các thương lái đến tận nhà đặt mua giá 15.000 - 18.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng được khoảng 500 triệu đồng.

Vụ nhãn năm nay được mùa, được giá nên vào vụ thu hoạch nhãn, cả huyện  Sông Mã đông vui như ngày hội, khắp các ngả đường, các loại xe đi lại tấp nập thu, hái nhãn, mỗi ngày ở Sông Mã xuất đi hàng trăm tấn nhãn tươi các loại. Giá cả được các thương lái mua tùy theo từng loại, nhãn to, đẹp (không phải nhãn ghép) có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, còn nhãn ghép có giá cao hơn 15.000 - 18.000 đồng/kg (đầu vụ), rồi tập kết về các điểm nằm dọc theo các quốc lộ 4G, 12, tỉnh lộ 102 rất thuận lợi cho các xe có tải trọng lớn bốc hàng, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở nhãn đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Theo thống kê, niên vụ 2018, toàn huyện Sông Mã có gần 1.000 hộ thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng; 500 hộ thu trên 500 - 700 triệu đồng; 50 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như  gia đình các ông: Trần Văn Lộc (bản Cỏ, Chiềng Khương), Trần Viết Của (bản Quyết Thắng, Chiềng Khương), Lưu Văn Chúng (bản Khương Tiên, Chiềng Khương), Lò Văn Nhiệm (bản Búa, Chiềng Khương), Ngô Thị Mai (bản Tiên Cang, Chiềng Cang), Trần Văn Tuấn (bản Chung Trâu, Chiềng Cang), Cầm Văn Vong (bản Chiềng Cang, Chiềng Cang), Đặng Văn Thửa (bản Hải Sơn, Chiềng Khoong)...

Xây dựng thương hiệu 

Nói về sự phát triển của cây nhãn và xây dựng thương hiệu “Nhãn Sông Mã”, bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã khẳng định: Huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển nhãn bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La”, tập trung thảo luận các vấn đề: Đánh giá hiện trạng tình hình phát triển cây nhãn trên địa bàn, phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đưa ra định hướng, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển cây nhãn theo hướng bền vững trên địa bàn; thực hiện quản lý mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang các nước đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp; nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã trồng nhãn... Bên cạnh đó, hằng năm huyện Sông Mã còn tổ chức các hội thi “Nhãn ngon, an toàn”, nhằm giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo vị thế vững chắc trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng nhãn với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nhãn. Đồng thời, tạo điều kiện để những người trồng nhãn được giao lưu, tìm hiểu nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, cách chăm sóc tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao thâm nhập thị trường trong nước và quốc tế...

Hội thi nhãn ngon, nhãn an toàn 2018.

Hiện tại, Sông Mã là huyện trồng nhãn lớn nhất tỉnh và của vùng Tây Bắc, tập trung ở 19 xã, thị trấn, chủ yếu là giống nhãn chín muộn. Đến nay, Sông Mã có 6.098 ha (trên 4.500 ha nhãn ghép), sản lượng trên 40.000 tấn, toàn huyện có 9 HTX sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, với 166 ha, sản lượng 930 tấn, trong đó, các HTX Bảo Minh, Hoàng Tuấn, An Thịnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp “Nhãn hiệu chứng nhận nhãn Sông Mã”; Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) trao Quyết định cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu 22,35 ha, sản lượng 220 tấn quả tươi.

Để tiếp tục xây dựng, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, Sông Mã đã tổ chức các chuỗi sự kiện “Ngày hội nhãn Sông Mã - 2018”; quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu nhãn ở các siêu thị lớn tại Hà Nội, Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), thu hút hàng nghìn lượt người dân và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, kết nối tiêu thụ, được người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Tại thị trường Hà Nội, thông qua các siêu thị BigC, Lotte, Hapromart, Intimex, VinMart... đã tiêu thụ trên 10 tấn nhãn/ngày. Qua đó, khẳng định sản phẩm nhãn Sông Mã đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng và các quy định liên quan đến xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty CP nông, lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn) đã thu mua hơn 2.000 tấn nhãn quả, xuất khẩu sang Trung Quốc theo đơn đặt hàng. Vì vậy, niên vụ 2018, huyện Sông Mã đã tiêu thụ 31.494 tấn nhãn quả tươi ở thị trường trong nước; chế biến 7.387 tấn long nhãn; xuất khẩu 2.550 tấn quả sang thị trường Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Campuchia...

Có thể khẳng định, chủ trương phát triển cây nhãn trong chuyển đổi cây trồng trên đất dốc ở vùng đất biên cương này là hướng đi hợp lòng dân, giữ vững thương hiệu nhãn nơi đây, huyện Sông Mã tiếp tục tập trung phát triển, sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế để người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu; tiếp tục quảng bá, đưa sản phẩm nhãn Sông Mã chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XX đã đề ra.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới