Mùa mưa năm nay, trên địa bàn huyện Sông Mã xảy ra nhiều đợt mưa lớn, lũ ống, lốc xoáy... ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, cơn bão số 3 cuối tháng 8 vừa qua mưa lớn gây lũ quét, làm thiệt hại nặng nề, phá hủy nhiều công trình giao thông, thủy lợi, tài sản của nhân dân.
Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La san ủi những điểm bị sạt lở trên quốc lộ 4G.
Theo số liệu thống kê, cơn bão số 3 đã làm chết 3 người, bị thương nặng 2 người; 479 ngôi nhà bị ảnh hưởng (88 nhà bị sạt lở, 107 nhà phải di dời khẩn cấp, 284 nhà bị hư hại một phần); 3 điểm trường bị hư hỏng do ngập nước và sạt lở đất ở bản Mo, xã Chiềng Khương; bản Nà Lằn, Huổi Bua, xã Yên Hưng; 4 phòng làm việc của Trạm Y tế xã Mường Sai và xã Chiềng Cang bị hư hỏng, tốc mái; trên 180 ha lúa, hoa màu bị lũ cuốn trôi, 11 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; gần 300 con gia súc bị lũ cuốn trôi; thiệt hại 23 ha thủy sản, sản lượng trên 10 tấn; 1.120 mét kè, kênh mương bị bồi lấp, 5 công trình thủy lợi kiên cố và 2 công trình thủy lợi tạm bị cuốn trôi; hơn 4km đường giao thông bị thiệt hại, 57 tuyến đường bị sạt nở, khối lượng đất đá khoảng 3.870m3, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị chia cắt; 2 cầu tràn bê tông, 9 cầu treo dân sinh, 10 cầu treo tạm bị lũ cuốn trôi... tổng thiệt hại ước tính trên 50 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo giao thông, khắc phục các công trình phục vụ sản xuất, đảm bảo đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Đối với 121 điểm sạt lở trên quốc lộ 4G, Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông I Sơn La đã huy động máy móc, san ủi hàng nghìn mét khối đất đá. Cùng với đó, huyện Sông Mã đã huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau mưa lũ. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân. Duy trì lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngầm tràn, cầu treo để đảm bảo an toàn, không để tiếp tục xảy ra thiệt hại về người. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống kênh, mương tiêu thoát nước, rà soát diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, hướng dẫn người dân khắc phục, chăm sóc nhằm giảm thiệt hại, để đảm bảo kế hoạch và thời vụ sản xuất. Tiếp tục rà soát các khu vực dân cư nguy cơ sạt lở di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân...
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết: Huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ gần 17 triệu đồng cho gia đình có người chết và bị thương; chỉ đạo hỗ trợ di dời khẩn cấp 14 hộ, với kinh phí 280 triệu đồng; khắc phục tạm bằng tre, xếp rọ đá tại cầu tràn bê tông đi cửa khẩu Chiềng Khương; chỉ đạo UBND các xã huy động nhân dân khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 các tuyến đường đến trung tâm các xã. Cùng với đó, tiến hành dọn vệ sinh môi trường; bố trí người trực ở những nơi có đường sạt lở, ngập lụt để cảnh báo, hướng dẫn người dân đi lại an toàn...
Hiện nay, các tuyến đường trên địa bàn huyện đã đảm bảo giao thông bước 1. Ngoài việc khắc phục các công trình hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất bị hư hỏng, huyện đang đề nghị tỉnh và Trung ương xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả, để giảm bớt những khó khăn, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!