Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã tích cực chuyển đổi cây trồng, lương thực kém hiệu quả trên đồi đất dốc, tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó, nhãn là cây chủ lực, được sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và làm giàu cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.
Nhân dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã) trồng nhãn ghép theo quy trình VietGAP.
Để sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững, huyện Sông Mã đã lồng ghép và sử dựng hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng nhãn theo quy trình sản xuất hàng hóa; thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quả an toàn, quy trình sản xuất VietGAP làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Theo thống kê, Sông Mã hiện có 6.098 ha nhãn, trồng tại 19 xã, thị trấn, gồm các giống nhãn chín muộn Hưng Yên (PH-M99-1; PH-M99-2); giống chín muộn T6 (Đại Thành, Hà Nội). Trong đó, 4.500 ha nhãn ghép (4.223 ha đã cho thu hoạch), tổng sản lượng hơn 40.000 tấn quả. 9 HTX trồng nhãn của huyện bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, với 166 ha, sản lượng 930 tấn, gồm: Bảo Minh, Hoàng Tuấn, Đoàn Kết (Chiềng Khoong); An Thịnh, Duy Tuấn, Toàn Thắng, Phúc Vinh (Nà Nghịu); Hưng Lộc (Chiềng Khương); Tiên Cang (Chiềng Cang).
Về cách thức sản xuất và tiêu thụ nhãn, ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, cho hay: Hiện nay, nhãn Sông Mã đã được cấp Giấy chứng nhận và chỉ dẫn địa lý nên có nhiều thuận lợi trong quá trình tiêu thụ. Do vậy, huyện tập trung mở rộng diện tích, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền cho người trồng nhãn cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, lấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản. Cùng với đó, tăng cường kết nối giao thương với các địa bàn có nhu cầu tiêu thụ nhãn ở các thành phố lớn; chú trọng phân phối qua hệ thống siêu thị chuyên kinh doanh hoa quả trong cả nước; cung cấp thông tin về sản phẩm nhãn tới người tiêu dùng; tích cực, chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu các thị trường xuất khẩu có tiềm năng để thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nhãn. Đặc biệt, chú trọng việc kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hoa quả với các hợp tác xã, hộ trồng nhãn trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.
Tìm hiểu thêm về thực hiện quy trình VietGAP trong thâm canh diện tích nhãn, tại HTX nông nghiệp Hưng Lộc, ở bản Cỏ, xã Chiềng Khương được biết, Ban quản lý HTX phân công các thành viên phụ trách từng công việc cụ thể, từ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đến lai ghép, nhân giống các loại nhãn; hướng dẫn cách bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc; áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng quả nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa quả nhãn trở thành hàng hóa không chỉ làm giàu cho các thành viên trong HTX, mà còn nhiều hộ dân trên địa bàn đến học tập và làm theo, góp phần đưa thương hiệu “nhãn Sông Mã” trở thành đặc sản được mọi người biết đến, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho hay: Sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP bảo đảm được năng suất, chất lượng và mẫu mã quả nhãn, được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn 40 - 50% so với nhãn sản xuất đại trà. Vụ nhãn năm nay, nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng, nên nhãn của chúng tôi đã được tiêu thụ hết, không còn bị ép giá như những năm trước. Nhiều thành viên trong HTX có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha, như gia đình các ông: Trần Văn Lộc, Bùi Sơn Hậu, Trần Văn Chiến, Trần Văn Phát, Nguyễn Thế Vĩnh...
Tập trung sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững đang là hướng đi hiệu quả, Sông Mã phấn đấu đến năm 2020 có trên 7.000 ha nhãn, trong đó tập trung trồng nhãn ghép, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... để quả nhãn và sản phẩm nhãn Sông Mã chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!