Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã thường xuyên mở các lớp tập huấn, tổ chức hội thảo kết hợp với trình diễn, xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, giúp nông dân đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Mô hình lợn giống ngoại tại bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu (Sông Mã).
Bà Đinh Thị Hảo, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Để giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, tham quan điểm sản xuất trình diễn, tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất... Từ đầu năm đến nay, Trạm đã tổ chức 151 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về kiến thức phòng, chống dịch bệnh, phương pháp nuôi trồng mới cho hơn 6 nghìn lượt nông dân; tổ chức 3 cuộc hội thảo về mô hình trồng cây chít và trồng ngô vụ đông. Chỉ đạo khuyến nông viên ở cơ sở, trao đổi, hướng dẫn trực tiếp 338 cuộc về các kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho gần 7 nghìn người dân tại các xã trong toàn huyện. Thông qua các lớp tập huấn, giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, Trạm còn chú trọng việc xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP triển khai năm 2016, quy mô 4 ha với 3 hộ tham gia tại bản Tiên Sơn (xã Chiềng Khương); các hộ tham được hỗ trợ 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tham dự 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp người trồng nhãn thực hiện các biện pháp kỹ thuật, sản xuất nhãn an toàn, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Chất lượng quả nhãn ngày càng nâng cao, quả sai, đồng đều, mẫu mã đẹp, cùi dày, ngọt đậm. Ông Trần Quảng, một trong 3 hộ tham gia mô hình có 1,3 ha nhãn chủ yếu được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, một số cây nhãn quả bé, cùi mỏng, năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và tham gia mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng nhãn của gia đình ông đã tốt hơn hẳn, đảm bảo an toàn, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, lại giảm công lao động mà năng suất cao. Ông Quảng cho hay: Thực hiện theo mô hình, năng suất nhãn đạt 12-14 tấn/ha, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác đạt 240-250 triệu đồng/ha. Gia đình tôi tiếp tục thực hiện theo cách làm mới này và tuyên truyền vận động các hộ khác làm theo. Hiện nay, có 4 HTX An Thịnh, Toàn Thắng (xã Nà Nghịu), Đoàn Kết, Hoàng Tuấn (xã Chiềng Khoong) đang triển khai thực hiện theo mô hình này.
Không chỉ vậy, Trạm Khuyến nông huyện còn xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác, hướng dẫn nông dân làm theo, như: Mô hình nuôi gia cầm sinh sản và sử dụng máy ấp trứng trong nông hộ triển khai năm 2016 với 1 hộ ở xã Yên Hưng tham gia, được hỗ trợ 1 máy ấp trứng, công suất 3.000 con/lần ấp, tỷ lệ ấp nở đạt trên 70%, tỷ lệ sống trên 95%. Mô hình này cung cấp nguồn giống tại chỗ, chủ động sản xuất con giống có nguồn gốc và chất lượng. Hiện, có 5 hộ trên địa bàn xã làm theo, sử dụng máy ấp trứng mini công suất 400 quả/lần ấp/máy. Mô hình lợn đực giống ngoại, triển khai từ năm 2014, tổng kinh phí 133 triệu đồng tại các xã Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Sơ và Yên Hưng. Mô hình tạo môi trường chăn nuôi an toàn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và tránh phối giống đồng huyết, lợn nái đạt tỷ lệ thụ thai cao. Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới triển khai năm 2016 đến nay tại xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong và Nà Nghịu, tổng kinh phí 240 triệu đồng; ưu điểm của trồng rau trong nhà lưới là nước thất thoát ít, độ ẩm cao, lượng phân bón được tận dụng triệt để, tiết kiệm thời gian chăm sóc, hạn chế sâu bệnh gây hại; đến nay, mô hình đang phát triển tốt, từng bước xây dựng thương hiệu rau, quả an toàn của địa phương. Được biết trong năm 2017, huyện sẽ mở 2 gian hàng quảng bá và bán những sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP...
Bà Đinh Thị Hảo, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện chia sẻ thêm: Các mô hình khuyến nông được chọn bảo đảm phù hợp với từng vùng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân, vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Trạm cũng đã tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm; tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, đáp ứng tốt yêu cầu của nông dân; vận động nhân dân tiếp tục nhân rộng mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau sạch trong nhà lưới và xây dựng mới mô hình trồng chanh leo ở các xã Chiềng Khoong và Nà Nghịu...
Bằng việc chuyển giao áp dụng kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đã góp phần giúp người dân có điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao trình độ thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, hình thành mô hình kinh tế mới giúp nông dân nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!