Vào dịp này, về Sông Mã đi dọc theo quốc lộ 4G, từ Mường Sai ngược lên vùng thượng nguồn dòng sông Mã, qua các xã Mường Lầm, Chiềng En, Bó Sinh rồi về Chiềng Phung, Nậm Ty... đâu đâu cũng bạt ngàn những vườn, đồi hoa nhãn đang trong kỳ nở rộ. Những cánh hoa li ti màu vàng nhạt, thơm nồng quyến rũ, tỏa hương dọc đôi bờ sông Mã, báo hiệu một mùa nhãn bội thu đang đến gần...
Cán bộ Khuyến nông xã Chiềng Khương (Sông Mã) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa cho người dân.
Cây nhãn bén duyên với vùng đất biên cương này từ những năm 1960-1970, do người dân Hải Hưng ngày đó lên xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang lập nghiệp, đem giống cây nhãn lồng lên đây trồng thử, không ngờ rằng cây nhãn lại nhanh chóng thích nghi với thổ nhưỡng, đơm hoa kết trái và cho quả ngọt. Ngày đó, do giao thông đi lại khó khăn, hơn nữa, nhãn trồng theo tính chất tự phát, chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn. Nhưng nay, nhãn trở thành đặc sản của vùng này, nên cây nhãn được người dân chú trọng đầu tư, chuyển đổi diện tích nhãn kém hiệu quả sang trồng, lai ghép nhãn chín muộn cho năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa.
Theo kinh nghiệm của những người dân ở đây, để có một mùa nhãn bội thu, ngoài việc phụ thuộc vào thời tiết và môi trường, thì rất cần sự chăm bón và hiểu biết về loài cây này. Sau khi thu hoạch tháng 7, tháng 8 năm trước, người dân bắt đầu cắt tỉa cành lá, loại bỏ những cành sâu, cành kém phát triển; tháng giêng bón phân, tưới nước, làm sạch cỏ... để tháng 3 nhãn ra hoa, tháng 5 tỉa quả... Trong quá trình chăm sóc còn kết hợp bón phân thúc, bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây, có thể bón phân qua lá bằng hình thức sử dụng urê, kali theo đúng liều lượng và bổ sung các nguyên tố vi lượng như phun dung dịch axit boric, dung dịch sunphat kẽm, làm tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế rụng quả non...
Theo thống kê, hiện nay, Sông Mã có khoảng trên 7.000 ha nhãn, hơn một nửa trong số đó là nhãn ghép, tổng sản lượng hằng năm khoảng 36.000 tấn quả. Đây là huyện có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh và của cả vùng Tây Bắc. Năm 2017, nhãn Sông Mã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu “Nhãn Sông Mã” và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) trao Quyết định cấp mã số vùng trồng nhãn tại các xã Chiềng Khoong, Nà Nghịu cho 3 HTX nông nghiệp an toàn: HTX Bảo Minh, HTX Hoàng Tuấn, HTX An Thịnh. Đây là cơ hội để nhãn Sông Mã được nhiều người biết đến, tiến tới thị trường xuất khẩu. Qua đó, bước đầu hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, khuyến khích các hộ nông dân tham gia sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo vùng nguyên liệu xuất khẩu sang thị trường Australia và một số nước khác.
Không chỉ vậy, mùa hoa nhãn còn đem lại nhiều nguồn lợi khác như nuôi ong lấy mật, về mùa này thợ nuôi ong từ khắp các tỉnh trong cả nước đem các đàn ong về đây để hút mật từ hoa nhãn. Theo các chủ nuôi ong, vụ khai thác mật hoa nhãn là vụ lớn nhất trong năm, do diện tích nhãn của huyện Sông Mã lớn và trồng tập trung, hoa nhãn lại nhiều mật, nếu thời tiết thuận lợi, một vụ hoa nhãn ở đây cho thu sản lượng mật bằng cả năm khai thác mật hoa từ các loại cây cà phê, cây keo và các loại hoa quả khác. Theo thống kê, riêng huyện Sông Mã có khoảng 5.000 đàn ong, nhưng khi vào vụ hoa nhãn, số lượng tăng lên đến gần 80.000 đàn, mùa hoa nhãn này cung cấp gần 2.000 tấn mật ong. Với giá thị trường hiện nay từ 150.000-200.000 đồng/kg, tính ra đem lại hàng trăm tỷ đồng cho người dân từ việc bán mật ong và phấn hoa, một nguồn lợi không nhỏ cho những người nuôi ong. Ngoài lợi ích về kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn giúp thụ phấn cho nhãn, góp phần tăng năng suất, chất lượng quả. Cũng vì thế, mô hình kết hợp nuôi ong với trồng cây ăn quả đã và đang trở thành phong trào lan rộng khắp trên địa bàn huyện.
Mùa hoa nhãn không chỉ mang lại vẻ đẹp, sức sống mới cho huyện vùng cao biên giới mà còn hứa hẹn một mùa bội thu, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!