Sông Mã mở rộng diện tích trồng nhãn

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, huyện Sông Mã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển diện tích trồng và nâng cao hiệu quả cây nhãn, mở ra hướng đi mới, bền vững cho loại cây trồng này.

Cán bộ khuyến nông xã Nà Nghịu (Sông Mã) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc nhãn thời kỳ ra hoa.

Theo thống kê, hiện huyện Sông Mã có 8.112 ha cây ăn quả (nhãn 6.578 ha, xoài 800 ha, cây có múi 248 ha, cây ăn quả khác 486 ha), sản lượng thu hoạch đạt gần 45.000 tấn quả (nhãn trên 40.000 tấn). Huyện đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng về đất đai và chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tập huấn, hướng dẫn nhân dân các xã, thị trấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn; thành lập tổ tư vấn hướng dẫn thành lập các HTX trong lĩnh vực trồng cây ăn quả. Đồng thời, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn lựa chọn, khảo nghiệm và hướng dẫn người dân đưa vào trồng, lai ghép một số giống nhãn có giá trị kinh tế cao. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, từng bước thay thế, cải tạo những diện tích cây đã bị già cỗi, thoái hóa trở thành những vườn cây cho năng suất, chất lượng cao. Đối với những diện tích nhãn trồng mới, huyện vận động nhân dân tập trung trồng giống nhãn ghép, thuộc các cơ sở sản xuất giống tại Hưng Yên, Hà Nội và trên địa bàn tỉnh có uy tín, đảm bảo về năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập...

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sông Mã xác định, coi cây nhãn là cây chủ lực và là một trong những cây đột phá, phấn đấu đến năm 2020, có trên 7.000 ha nhãn, tập trung nhân rộng mô hình nhãn ghép, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả an toàn, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển bền vững; tập trung phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, liên kết theo hướng chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Cùng với đó, huyện còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các cuộc hội thảo đánh giá hiện trạng, tình hình phát triển cây nhãn trên địa bàn, phân tích tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đưa ra định hướng, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, triển khai thực hiện phát triển cây nhãn theo hướng bền vững trên địa bàn; thực hiện quản lý mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu sang các nước đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp; nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã trồng nhãn... Hằng năm, huyện Sông Mã còn tổ chức các hội thi “Nhãn ngon, an toàn”, nhằm giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng nhãn với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nhãn. Đồng thời, để những người trồng nhãn được giao lưu, tìm hiểu nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, cách trồng và chăm sóc để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đem lại lợi ích kinh tế.

Được biết, năm 2018, diện tích cây ăn quả trồng mới của huyện Sông Mã tăng 1.481 ha; các hộ gia đình, HTX cải tạo, đầu tư lai ghép với nhiều loại giống có năng suất, chất lượng cao, gồm các giống nhãn chín muộn Hưng Yên (PH-M99-1; PH-M99-2); giống chín muộn T6 (Đại Thành - Hà Nội). Hiện, Sông Mã có khoảng 5.000 ha nhãn ghép, trong đó, gần 4.500 ha nhãn đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng đạt hơn 40.000 tấn quả. Năm 2018, huyện đã tăng cường tổ chức các chuỗi sự kiện quảng bá, xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu nhãn ở các siêu thị lớn tại Hà Nội, Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc), đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ người tiêu dùng và các quy định liên quan đến xuất khẩu. Vì vậy, số lượng nhãn tiêu thụ đạt 31.494 tấn nhãn quả tươi ở thị trường trong nước, chế biến 7.387 tấn long nhãn, xuất khẩu 2.550 tấn quả sang thị trường Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Campuchia... Đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương. Theo thống kê, số hộ có thu nhập cao từ trồng nhãn của huyện Sông Mã ngày một tăng. Niên vụ nhãn 2018, toàn huyện có gần 1.000 hộ thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng; 500 hộ thu 500 - 700 triệu đồng; 50 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như gia đình các ông: Trần Văn Lộc, Trần Viết Của, Lưu Văn Chúng, Lò Văn Nhiệm (Chiềng Khương), Cầm Văn Vong (Chiềng Cang), Đặng Văn Thửa (Chiềng Khoong)...

Chủ trương phát triển cây nhãn trong chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của huyện Sông Mã là hướng đi đúng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển, sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững, gắn với nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế để người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Tiếp tục quảng bá, đưa sản phẩm nhãn Sông Mã chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới