Những năm qua, huyện Sông Mã đã triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; thu hút nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong sản xuất nông, lâm nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng cam Vinh tại bản Tre, xã Chiềng Cang (Sông Mã).
Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, huyện Sông Mã đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt gần 10%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 3.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại...; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,3%; dịch vụ, thương mại tăng 14,2%; sản lượng lương thực có hạt đạt 75 nghìn tấn/năm; diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có hơn 430 ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn/năm. Tổng đàn gia súc duy trì mức 165 nghìn con và hơn 1,1 triệu con gia cầm/năm, sản lượng thịt lợn hơi hơn 10.000 tấn/năm...
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tập trung nâng cao hiệu quả của các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất và công tác khuyến nông, chuyển giao áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, huyện đã tuyên truyền, vận động nhân dân giảm đất trồng cây lương thực kém hiệu quả chuyển sang trồng mới 2.100 ha nhãn tại các xã dọc quốc lộ 4G và các xã dọc sông Mã. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lao động, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện; coi cây nhãn là một trong những cây đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của huyện được duy trì và phát triển mạnh, đạt trên 7.000 ha, được trồng tại 19 xã, thị trấn. Trong đó, có 6.098 ha nhãn (4.500 ha nhãn ghép; trong đó, 166 ha nhãn ghép được 9 hợp tác xã trồng theo quy trình VietGAP), gồm các giống nhãn chín muộn Hưng Yên (PH-M99-1; PH-M99-2); giống chín muộn T6 (Đại Thành - Hà Nội). Niên vụ 2018, huyện có 4.223 ha nhãn đã cho thu hoạch, với tổng sản lượng đạt hơn 40.000 tấn quả. Trong đó, có gần 7.000 tấn nhãn quả được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Campuchia và các nước khác, doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu, để nông sản Sông Mã vươn ra thị trường thế giới. Ngoài ra, huyện còn vận động các hộ dân trồng gần 200 ha bưởi Diễn và bưởi da xanh, cung cấp hàng trăm tấn quả mỗi năm, đem lại thu nhập cho các hộ nông dân hàng tỷ đồng.
Cùng với phát triển các loại cây ăn quả, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức chăn nuôi, khuyến khích người dân tận dụng tiềm năng sẵn có về đất đai, nhân lực mở rộng quy mô sản xuất, tăng diện tích trồng cỏ, đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng, sản xuất hàng hóa. Đồng thời, mở các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn gia súc luôn phát triển ổn định, đạt gần 165 nghìn con (12.880 con trâu, 45.579 con bò, 21.238 con dê, 84.954 con lợn), trên 1,1 triệu con gia cầm các loại. Tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt trên 10.000 tấn, không những đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân trên địa bàn, mà còn xuất bán đi các địa phương trong tỉnh và các tỉnh khác, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của huyện có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước giảm dần diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, trồng cỏ chăn nuôi, trồng rừng. Đồng thời, xác định các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế phát triển, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, đạt giá trị kinh tế cao gồm: nhãn, hoa, đậu tương, lạc, mía, cam, bưởi; trâu, bò, lợn và các loại gia cầm. Qua đó, quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung theo mô hình HTX. Hiện, Sông Mã có 43 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó, 9 HTX sản xuất và cung ứng hàng hóa nông sản an toàn theo quy trình VietGAP.
Thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao mang tính ổn định, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết. Tập trung vận động người dân tham gia phát triển sản xuất, mở rộng thâm canh tăng vụ, đưa giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất, góp phần phát triển nhanh kinh tế nông thôn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!