Nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản; tăng khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp, là một trong những ưu tiên của huyện Sông Mã trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Mô hình trồng nhãn ở bản Trung Châu, xã Chiềng Cang (Sông Mã).
Huyện ủy Sông Mã đã ban hành Nghị quyết số 09 về tăng cường lãnh đạo đối với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao thu nhập theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020; tập trung phát triển cây ăn quả trên đồi đất dốc, coi cây nhãn là một trong những mũi nhọn đột phá; khuyến khích các địa phương, hộ gia đình đầu tư nhân rộng mô hình nhãn ghép, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu và quảng bá thương hiệu “Nhãn Sông Mã”.
Theo thống kê, diện tích cây ăn quả của Sông Mã hiện có 8.112 ha, tập trung tại 19 xã, thị trấn. Trong đó, 6.578 ha nhãn (gần 5.000 ha nhãn ghép), 9 HTX trồng 166 ha nhãn ghép theo tiêu chuẩn VietGAP, bằng các giống nhãn chín muộn Hưng Yên, Miền Thiết và T6. Niên vụ 2018, 4.223 ha nhãn cho thu hoạch hơn 40.000 tấn quả; gần 7.000 tấn nhãn quả được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Campuchia..., doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Số hộ có thu nhập cao từ trồng nhãn tăng nhanh, toàn huyện có gần 1.000 hộ thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm; 500 hộ thu 500 - 700 triệu đồng; 50 hộ thu trên 1 tỷ đồng. Tiêu biểu là các gia đình ở xã Chiềng Khương: Trần Viết Của (bản Quyết Thắng), Lưu Văn Chúng (bản Khương Tiên), Lò Văn Nhiệm (bản Búa), Trần Văn Lộc (bản Cỏ); xã Chiềng Cang có bà Ngô Thị Mai (bản Tiên Cang), Trần Văn Tuấn (bản Trung Châu), Cầm Văn Vong (bản Chiềng Cang); xã Chiềng Khoong có ông Đặng Văn Thửa (bản Hải Sơn)... chưa kể các hộ dân trên địa bàn còn trồng gần 200 ha bưởi Diễn và bưởi da xanh, cung cấp hàng trăm tấn quả mỗi năm, thu nhập hàng chục tỷ đồng. Sản xuất lương thực, trồng rau màu, các loại hoa cũng đạt năng suất, chất lượng cao, thu về 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm...
Hiện Sông Mã có 43 Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Tìm hiểu tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Phú (bản Cỏ, xã Chiềng Khương), ông Đoàn Ngọc Sáng, Phó Chủ nhiệm HTX phấn khởi: Cũng diện tích ấy trên nương, trước đây người dân chúng tôi chỉ trồng ngô, sắn, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp, chỉ đạt khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha/năm. Nhưng từ khi chuyển sang trồng loại nhãn ghép, chất lượng cao, lại được sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng, được tập huấn kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, áp dụng sản xuất theo quy trình kỹ thuật VietGAP, sản lượng quả nhãn đã không ngừng nâng lên, trung bình đạt từ 13 đến 15 tấn/ha, nhiều thành viên trong HTX chúng tôi thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha, đưa quả nhãn trở thành hàng hóa và làm giàu cho các thành viên. Niên vụ 2018, với 30 ha của 14 thành viên trong HTX, doanh thu đạt trên 7,5 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn.
Chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến tích cực nhờ áp dụng tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc theo hình thức nhốt chuồng, tăng nhanh diện tích trồng cỏ, loại bỏ tập quán thả rông, chuyển mạnh theo hướng chăn nuôi hàng hóa... huyện hiện có gần 166 nghìn con gia súc các loại; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 10.000 tấn/năm... không những đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, mà còn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Sông Mã tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo hướng sản xuất VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, bảo đảm sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!