Dù biết là nguy hiểm, nhưng việc sử dụng ròng rọc tự chế làm phương tiện hằng ngày qua suối Nậm Lẹ đang là phương án chưa thể thay thế của nhiều người dân cũng như học sinh khu vực bản Ỏ, xã Mường Sai (Sông Mã).
Người dân bản Ỏ, xã Mường Sai (Sông Mã) sử dụng ròng rọc qua suối Nậm Lẹ.
Theo quan sát của chúng tôi, ròng rọc mà người dân ở đây tự chế để qua suối rất đơn giản. Hai đầu cột bê tông được nối với nhau bằng sợi cáp dài hơn 100 m, còn lồng sắt có chiều dài khoảng 1m, rộng 60 cm, phía dưới được hàn 3 thanh sắt đủ chỗ ngồi cho 3 đứa trẻ hoặc 1 người lớn. Để có thể di chuyển, mỗi bên đều có thêm một sợi dây dài để người ngồi trong kéo lồng sắt từ bên này sang bên kia. Khi qua suối, lại đẩy lồng sắt về phía bờ bên kia. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, sẽ khiến người ngồi trong lồng sắt rơi xuống dòng nước.
Được biết, trước đây người dân bắc cầu tạm bằng tre để qua suối, song cứ vào mùa mưa lũ, cầu tạm lại bị cuốn trôi. Vậy nên người dân đã tự lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc, lồng sắt này. Em Lò Mạnh Quân, học sinh lớp 4, Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Mường Sai nói với chúng tôi: Em đi học qua suối bằng ròng rọc đã 2 năm rồi. Ban đầu em cũng sợ, nhìn xuống dòng nước chảy chóng mặt lắm, nhưng không còn cách nào khác để qua suối đến trường. Đi nhiều thành quen, bây giờ cũng không còn sợ nữa.
Trường hợp của gia đình anh Lường Văn Minh, bản Ỏ lại khác. Vì sinh kế, năm 2017 anh vay mượn của người thân 70 triệu đồng mở quán ăn ngay cạnh quốc lộ 4G, cũng là để tiện cho con trẻ đi học. Thế nhưng, nợ chưa trả hết thì cuối tháng 8 vừa qua, quán đã bị dòng suối Nậm Lẹ cuốn trôi hết. Và giờ đây, gia đình anh đành trở về bên kia suối sinh sống và thế là 2 đứa con của anh hằng ngày vẫn phải sử dụng ròng rọc qua suối để đến trường.
Thật tiếc là dù biết có chuyện nhân dân qua suối bằng ròng rọc tự chế nhưng cấp ủy, chính quyền sở tại cũng chưa có biện pháp khắc phục. Ông Lò Văn Loan, Bí thư Đảng ủy xã Mường Sai cho hay: Hiện nay, trên địa bàn xã có 6 cây cầu treo, nhưng mới chỉ có 1 cây cầu đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, còn lại là cầu tạm. Hằng năm, xã cũng được cấp kinh phí sửa chữa cầu treo, nhưng hạn hẹp quá nên việc sửa chữa cũng như đầu tư xây dựng cầu treo của xã chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét rà soát, có cơ chế đầu tư phù hợp để bà con làm cầu qua suối.
Nhằm hạn chế tối đa những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, rất mong các cấp, các ngành chức năng sớm có phương án đầu tư xây dựng, cầu treo để người dân an toàn khi qua suối.
Hiền Anh
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!