Những ngày đầu năm mới, đi dọc tuyến đường vành đai biên giới của hai huyện Sông Mã, Sốp Cộp, đã thấy âm vang tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn bè. Già trẻ, gái trai háo hức chuẩn bị mua sắm áo quần, thêu thùa xiêm váy, hân hoan nô nức đón xuân.
Điểm Trường Mầm non, Tiểu học Bua Hin được xây dựng khang trang.
Năm nay, tôi may mắn được đến với bà con đồng bào dân tộc Mông bản Bua Hin, xã Mường Hung (Sông Mã) trong ngày đầu năm. Tại nhà trưởng bản Sồng Bả Do, anh em họ hàng, bạn bè, người thân đang quây quần bên mâm cỗ bày biện khá bắt mắt với các món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt gà, cùng bánh dày truyền thống giã nhuyễn thơm nồng hương lúa mới. Nhấp chén rượu nồng do Trưởng bản rót, nghe ông trò chuyện, chúng tôi hình dung, mường tượng ra diện mạo Bua Hin thăng trầm và đổi thay như thế nào. Bản có 29 hộ, định cư bên sườn dãy núi Mường Hung từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngày trước, lên Bua Hin chỉ duy nhất con đường mòn từ trung tâm xã tắt núi qua bản Bua Xá dài cỡ 20 km, vậy nên Bua Hin còn nghèo lắm. Vậy mà, khi dự án làm đường vành đai biên giới được triển khai, Bua Hin trở thành ngã ba giao thương, mọi thứ như vừa đón phép màu. Thời cơ đến, bà con cùng phát huy truyền thống đoàn kết, một lòng theo Đảng, bảo nhau không di cư tự do, nỗ lực làm giàu ngay trên mảnh đất này.
Đúng là Đảng, Nhà nước đã mang lại cho bà con một cuộc sống bình yên, no ấm, đồng bào Mông ở đây không có ruộng, chỉ tập trung thâm canh 43 ha lúa nương định canh, 67 ha ngô, sắn, khoanh nuôi bảo vệ tốt hơn 300 ha rừng đầu nguồn; mỗi hộ nuôi ít nhất 3 con bò sinh sản trở lên, đã làm cho đời sống khởi sắc rõ rệt. Không chỉ vậy, bản từng bước chuyển diện tích đất nương bạc màu sang trồng nhãn ghép, cam và quýt chất lượng cao. Hiện tại, đã có hơn 15 ha vườn nhãn được triết ghép; quýt Bua Hin mới trồng thử nghiệm 2 ha nhưng đã được tư thương đến tận vườn đặt mua với giá 25.000 đồng/kg, bởi quả mọng, ngọt tự nhiên. Bản cũng đã được các chương trình dự án lồng ghép đầu tư như hệ thống điện lưới quốc gia, sóng liên lạc, bê tông đường bản, hệ thống nước sinh hoạt, điểm trường tiểu học, mầm non từ lớp 1 đến lớp 5, nhà văn hóa cũng đã được xây dựng. Bản cũng đã kết nghĩa với bản Nà Sạo, thuộc cụm bản Khết Nà Cái, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa 2 bản có chung đường biên giới.
Điều đặc biệt nữa là con em trong bản sau khi học hết tiểu học đều xuống xã, xuống huyện để học lên THCS, THPT. Theo Bí thư chi bộ bản Sồng Vạ Ly, phong trào khuyến học khuyến tài rất được chăm lo, mong con cháu học thật tốt, thật giỏi để sau này làm giàu cho bản, cho gia đình. Bua Hin năm nào cũng có con em đủ trình độ và sức khỏe phục vụ trong lực lượng bộ đội biên phòng; nhiều người đã nghỉ hưu, xuất ngũ, ra quân tiếp tục về lập nghiệp tại bản. Bua Hin tự hào là bản có số lượng cán bộ viên chức đông nhất xã. Bua Hin bây giờ có 4 hộ mua được ô tô vận tải, 5 hộ mở dịch vụ hàng tạp hóa, 100% số hộ có xe máy!
Vui quá, say quá với tiếng khèn bè, tiếng trống, tiếng chiêng rộn vang vách núi. Những cây đào e ấp nụ bên hiên nhà hay bên bìa rừng bất chấp mùa đông rét mướt chuẩn bị bung sắc. Mùa xuân bình yên, no ấm trên vùng cao biên giới đang hiện hữu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!