Cuối năm, tiết trời se lạnh, chúng tôi về Chiềng Khoong (Sông Mã), xã có bản tái định cư Huổi Khoong, để tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi đây sau 10 năm an cư, lạc nghiệp, xây dựng quê mới. Dọc con đường bê tông về bản, hai bên đường những cánh hoa đào, hoa mận đang bắt đầu khoe sắc, báo hiệu mùa xuân về. Xa xa, trên các sườn đồi là màu xanh bạt ngàn của các loại cây ăn quả.
Một góc bản TĐC Huổi Khoong, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) hôm nay.
Hơn 10 năm trước, vùng đất này của huyện Sông Mã đã tiếp nhận 23 hộ, 116 nhân khẩu TĐC thủy điện Sơn La từ xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai) về sinh sống. Ngay từ khi mới chuyển đến, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, bố trí đất sản xuất, tạo việc làm và các điều kiện để hỗ trợ người dân tái định cư sớm ổn định sản xuất, đời sống. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình ưu đãi, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên quê mới, đời sống và chất lượng cuộc sống của bà con đã thay đổi nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; sử dụng nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng cỏ, chăn nuôi bò nhốt chuồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Bên cạnh đó, các hộ dân TĐC thủy điện Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận, nỗ lực giúp đỡ của nhân dân địa phương, bà con cùng nhau đoàn kết vươn lên từ nội lực, vì vậy, diện mạo bản TĐC Huổi Khoong ngày càng có nhiều đổi mới. Kinh tế phát triển, sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng, hiện 5 ha nhãn ghép của bản đã cho thu hoạch, bà con canh tác 3,5 ha lúa, gần 30 ha ngô, tổng sản lượng lương thực hàng năm ước đạt trên 150 tấn, gần 300 con gia súc, hơn 2.000 con gia cầm các loại được chăm sóc tốt, thu nhập bình quân của người dân đạt 18 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 15%; cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống của người dân đã được nâng lên đáng kể, không còn phải lo cái ăn, cái mặc như nơi ở cũ. Ông Hoàng Văn Phương, một trong những hộ dân định cư ở đây phấn khởi: Đến nơi ở mới đi lại dễ dàng, gần phố xá, bệnh viện, trường học không còn cách sông, suối như trước nữa. Tuy đất sản xuất ít, nhưng được cán bộ khuyến nông của xã, của huyện hướng dẫn, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên gia đình tôi đã tận dụng đất ven đồi để trồng cỏ, nuôi trâu bò nhốt chuồng. Do vậy, gia đình tôi lúc nào cũng có 10 con bò, 5 con trâu nuôi gối nhau, cứ nuôi lớn lại bán nên có thu nhập ổn định, kinh tế khá giả hơn trước, hơn nơi ở cũ rồi, chúng tôi rất yên tâm xây dựng cuộc sống, bảo ban con cháu hăng hái lao động sản xuất, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với phát triển kinh tế, Huổi Khoong còn thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan. Những ngày lễ hội được tổ chức vui tươi, tiết kiệm, việc hiếu, hỷ thực hiện theo nếp sống mới, không thách cưới, không tổ chức linh đình gây lãng phí... Hiện tại, bản có 1 đội văn nghệ, 2 đội bóng chuyền, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Qua đó góp phần phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết, an ninh trật tự đảm bảo.
Chiều tối dần, Huổi Khoong hôm nay chưa có đèn đường rực rỡ như nơi phố thị, nhưng nhà nhà đã có ánh điện tỏa sáng, mùi thơm cơm mới từ những ngôi nhà sàn lan tỏa, tiếng trẻ nhỏ hồn nhiên cười đùa... chúng tôi hiểu cuộc sống của bà con Huổi Khoong nói riêng và các khu tái định cư nói chung đã ổn định, mừng vui đón xuân mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!