Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Sông Mã: Đồng hành với nông dân thoát nghèo bền vững

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Sông Mã hiện đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi theo các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, đưa nguồn vốn vay đến đúng các đối tượng, tích cực góp phần phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Chi hội CCB thị trấn Sông Mã (Sông Mã) trao đổi kỹ thuật lai ghép nhãn.

Với cơ chế hiện hành, hầu hết các chương trình tín dụng đều được ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội, dư nợ ủy thác chiếm 99,9%/tổng dư nợ. Để hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm vay vốn được thực hiện tốt, đến đúng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo 19 xã, thị trấn thực hiện rà soát hộ nghèo có nhu cầu vay vốn; chủ động phối hợp với UBND cấp xã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để có căn cứ xác nhận cho vay theo tiêu chí quy định. Trên cơ sở đó, Phòng giao chỉ tiêu vốn đến các xã, thị trấn; chỉ đạo giải ngân nguồn vốn cho vay tới các hộ và các đối tượng chính sách, không để tồn đọng. Tại các điểm giao dịch, thực hiện công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, dư nợ của hộ vay, được chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đánh giá cao. Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ và phối hợp thực hiện nhiệm vụ ủy thác; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức hội các cấp, ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn... Ông Nguyễn Thế Chung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, cho hay: Hiện, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sông Mã đang duy trì 465 tổ tiết kiệm vay vốn ở 466 thôn, bản và ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện. Đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 330 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo trên 166 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 46 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo trên 43 tỷ đồng... nguồn vốn và dư nợ tăng trưởng 10 - 15%/năm, Phòng phấn đấu đến năm 2020, dư nợ trên 500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,05%.

Được biết, trong số khoảng 13.000 hộ được vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện thì đã có gần 1.000 hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn ưu đãi thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 24%. Các hộ vay vốn tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi, xoài, cam, nhãn ghép; chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản... nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, điển hình như gia đình các ông: Cầm Văn Luông, bản Bó Bon; Cầm Văn Long, bản Hin Phon (xã Chiềng Cang); bà Đoàn Thị Huê, bản Hải Sơn 1 (xã Chiềng Khoong); Lò Văn Hoàng, bản Búa (xã Chiềng Khương); Nguyễn Văn Ánh (tổ 11, thị trấn)... các gia đình này vay từ 30 đến 50 triệu đồng để đầu tư nuôi bò lai sinh sản. Sau 3 năm, các hộ đã trả được cả gốc và lãi, hiện nay các hộ trên không những thoát nghèo, mà còn cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/năm. Ông Lò Văn Hoàng, bản Búa (Chiềng Khương), phấn khởi: Gia đình tôi trước đây chỉ trồng cây ngô, cây sắn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên thường không đủ ăn. Được vay vốn, gia đình tôi vừa đầu tư trồng cây ăn quả, vừa chăn nuôi bò sinh sản. Bây giờ khá rồi, sau khi trừ chi phí cũng thu được trên 120 triệu đồng/năm.

Bám sát từng địa bàn, từng đối tượng, cho vay kịp thời; thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương kiểm tra, giám sát nên các chương trình tín dụng ưu đãi đã phát huy tốt hiệu quả, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, giúp các xã hoàn thành tiêu chí 11 về xây dựng nông thôn mới.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới