Về xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, hôm nay sẽ nhận thấy màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả. Kết quả này là sự nỗ lực của hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, dựng vùng đất biên giới ngày càng giàu mạnh.
Hội Nông dân xã Chiềng Khương có 21 chi hội, với trên 1.400 hội viên. Hằng năm, Hội phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; vận động hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm vào sản xuất; tập trung chuyên canh gắn với phát triển hợp tác xã.
Anh Cà Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chia sẻ: Đến nay, xã đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng 700 ha nhãn, 100 ha xoài; trồng xen 25 ha rau, đậu vào diện tích cây ăn quả; trồng 69 ha lúa, 105 ha sắn, 35 ha cỏ voi, 3 ha mía tím trên diện tích đất nương. Đồng thời, triển khai mô hình 50 ha dứa Queen từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tại bản Huổi Mo.
Giúp hội viên nông dân có vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 1 lớp tập huấn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho trên 50 hội viên. Nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 188 hộ hội viên vay trên 8,8 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, quảng bá sản phẩm thông qua việc làm cầu nối liên kết, hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp. Trong 9 tháng, Hội đã thành lập 5 tổ liên kết VAC tại các bản: Mo, Bó, Là, Hưng Hà, Tiên Sơn, với 57 gia đình hội viên tham gia. Duy trì hoạt động hiệu quả 6 HTX nông nghiệp dịch vụ; khuyến khích thành viên HTX phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Thăm mô hình nuôi gà siêu trứng ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền, bản Thống Nhất, với khu chuồng nuôi được đầu tư bài bản, khép kín. Lồng nuôi bằng kẽm, không tiếp xúc với mặt đất để tránh mầm bệnh. Nền chuồng bằng bê tông, được rải trấu trộn vôi và men vi sinh; lắp hệ thống quạt thông gió, mái lắp hệ thống phun nước làm mát, đảm bảo duy trì nhiệt độ ổn định trong chuồng nuôi.
Anh Tuyền chia sẻ: Từ 1.000 con gà nuôi ban đầu, hiện nay, trang trại đã phát triển lên 4.500 con. Trung bình mỗi ngày gia đình bán ra thị trường 4.000 quả trứng, thu lãi trên 30 triệu đồng/tháng. Toàn bộ chất thải của gà, gia đình ủ men vi sinh làm phân bón cho cây trồng và bán cho các hộ trồng nhãn với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bao, có thêm thu nhập và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhiều năm liền đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, anh Phạm Văn Sơn, bản Hưng Hà, có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng nhãn và kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Anh Sơn cho biết: Gần 2 ha trồng nhãn tôi cải tạo thành bậc thang, trồng thêm cây thấp tán, thỉnh thoảng phát cỏ tấp vào gốc giữ độ ẩm, độ mùn cho đất và bổ sung chế phẩm vi sinh làm phân bón hữu cơ. Ngoài ra, tôi lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động giúp tiết kiệm nước và chi phí nhân công. Trung bình mỗi năm gia đình thu trên 30 tấn nhãn. Năm nay nắng nóng kéo dài, tỷ lệ đậu quả không nhiều, nhưng lại được giá, nên cũng thu hơn 700 triệu đồng.
Hiện nay, xã Chiềng Khương có 223 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, hàng chục hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm. Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần nâng thu nhập bình quân của xã lên 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,16%.
Tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã Chiềng Khương tập trung triển khai hiệu quả việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Quan tâm giải ngân các nguồn vốn vay, tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên vươn lên làm giàu, góp phần duy trì và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!