Không chỉ vượt qua mặc cảm, chiến thắng bệnh tật mà những người mắc bệnh phong còn cùng nhau dệt lên những câu chuyện đẹp như cổ tích ở nơi từng bị coi là “vùng đất của quỷ dữ”, cùng nhau xây dựng quê hương thứ 2 của mình ở bản Huổi So, xã Chiềng Cang (Sông Mã).
Ông Quàng Văn Phanh và bà Lò Thị Inh sau khi được điều trị tại Trại phong Sông Mã đã nên duyên vợ chồng.
Thành lập từ những thập niên 50 của thế kỷ trước, trên địa phận bản Pháy, xã Chiềng Cang, Trại phong Sông Mã chuyên điều trị cho những người bị mắc bệnh phong. Ngày đó, khi nhắc đến bệnh phong, người dân rất sợ, bị kỳ thị, xa lánh. Cũng bởi không dám ra ngoài, điều trị không kịp thời... nhiều người đã phải mang di chứng bị cụt chân, tay...
Anh Lò Văn Hoa, cán bộ phụ trách bệnh nhân phong ở Trại, kể: Do nhận thức còn hạn chế nên nhắc đến căn bệnh phong ai lấy đều sợ, bệnh nhân phong bị xa lánh, hắt hủi, càng làm họ mặc cảm, tự ti. Bây giờ khác rồi, những bệnh nhân ở đây vẫn luôn yêu thương, gắn kết, đùm bọc nhau vượt qua bệnh tật; không ít người trong số họ đã nên duyên vợ chồng, có cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên con, cháu.
Để chứng minh, anh Hoa dẫn chúng tôi xuống thăm một số gia đình bệnh nhân phong. Vừa đi, anh cho chúng tôi biết thêm: Năm 1996, Trại phong Sông Mã được đổi tên là Khoa phục hồi chức năng (thuộc Bệnh viện Phong và Da liễu) quản lý và điều trị cho 35 bệnh nhân phong. Với nguyện vọng “an cư, lạc nghiệp” tại đây, năm 2006, những bệnh nhân phong xin thành lập bản và lấy tên là Huổi So.
Đường về bản Huổi So giờ đã được đổ bê tông, dọc theo những vườn cây ăn quả xanh tốt. Ghé thăm vợ chồng ông Lường Văn Pản - bà Quàng Thị Thăm, thấy trước khoảng sân rộng có rất nhiều người đang nói cười rôm rả, thì ra gia đình đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho cháu nội của ông bà đi lấy chồng ở xã Chiềng Khương. Ông Pản quê ở tận huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), từng là cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện này. Năm 1977, đi kiểm tra sức khỏe, bác sỹ cho hay ông bị bệnh phong và cần phải điều trị. Còn bà Thăm ở tận Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Cả hai cùng điều trị ở đây, có tình cảm với nhau và kết duyên chồng vợ, cùng tự nguyện gắn bó với nơi này cả cuộc đời. Ông bà sinh hạ được 4 người con, nay đều đã lập gia đình, có 4 cháu nội và 5 cháu ngoại.
Rời nhà ông Pản, chúng đến ngôi nhà bên vườn cây ăn quả xanh tốt của ông Lò Văn Hít. Ông kể: Sau khi chữa trị thành công, thấy đủ sức tham gia lao động, sản xuất nên chúng tôi xin ở lại, được Nhà nước quan tâm bố trí đất sản xuất. Bây giờ, gia đình tôi có hơn 100 gốc nhãn giống Hưng Yên đã cho quả; chúng tôi còn trồng cỏ xung quanh để nuôi 4 con bò. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các bác sỹ đã chữa bệnh, cho chúng tôi tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Trước đây, do bị kỳ thị, xa lánh, ông Quàng Văn Phanh, xã Chiềng Lao (Mường La) sống biệt lập trong một cái chòi nhỏ. Vết thương lở loét và bị nhiễm trùng mà không có ai giúp đỡ. Năm 2012, ông Phanh được đưa vào Bệnh viện điều trị. Do nhiễm trùng nặng nên đôi chân bị cắt bỏ, những ngón tay cũng bị ăn mòn khiến sinh hoạt rất khó khăn. Tại đây, ông được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sỹ và sự động viên của bà con trong bản, ông đã chiến thắng được bệnh tật. Cùng cảnh ngộ, năm 2015, ông về ở cùng bà Lò Thị Inh, hai ông bà sống rất tình cảm, luôn đỡ đần nhau trong mọi công việc.
Huổi So có 58 hộ dân, thì có tới 7 cặp bệnh nhân phong kết duyên vợ chồng. Họ chia sẻ yêu thương, cùng nhau làm kinh tế, cả bản có tới 100 con trâu, bò, 15 ha cây nhãn, xoài. Bà con rất mong được hỗ trợ vốn, được chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, nhất là các loại giống cây trồng vật nuôi có giá trị, năng suất, chất lượng cao.
Ánh nắng dần khuất sau ngọn núi, bên những nếp nhà sàn, khói bếp đã lan tỏa, chúng tôi chia tay Huổi So và tin tưởng, quê hương thứ 2 của những bệnh nhân phong sẽ tiếp tục đổi mới, giàu thêm và ấm áp tình người.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!