Với tinh thần, bản lĩnh của thanh niên xung phong, trở về sau chiến tranh khốc liệt, ông Phạm Văn Luân, bản Hải Sơn 2, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã nỗ lực vượt khó, làm giàu trên quê hương mới.
Ông Phạm Văn Luân chăm sóc vườn nhãn.
Năm 1970, chàng trai trẻ Phạm Văn Luân quê ở thôn Thiện Phiến, xã Chiến Thắng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) gia nhập TNXP thuộc Tiểu đoàn 2, Binh trạm 9, Đoàn 559, hỗ trợ công binh xẻ núi, mở đường từ Mường Phìn (Lào) về Trường Sơn. Năm 1975, ông Luân xuất ngũ, xung phong đi phát triển kinh tế miền núi tại Chiềng Khoong.
Chẳng quản khó khăn, thiếu thốn, những ngày đầu lập nghiệp, gia đình ông bắt tay trồng lúa trên 1 mẫu ruộng được cấp, khai phá thêm 2 ha đồi đất hoang để trồng nhãn lồng Hưng Yên và các loại ngô, đậu, đỗ... Ông chủ động vay từ các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đào 300 m2 ao, xây 4 bể chứa, nuôi 20 đôi ba ba gai, xây dựng chuồng trại nuôi 5 cặp nhím, 20 cặp dê, 3 cặp trâu,... Bằng nỗ lực của cả gia đình, hàng năm, thu nhập của nhà ông bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng; xây dựng được cơ ngơi khang trang, mua sắm được nhiều thiết bị sinh hoạt hiện đại, nuôi con cái học hành thành đạt.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Luân luôn tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức đoàn thể ở địa phương như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong. Trưởng bản Hải Sơn 2 Lương Văn Thọ nhận xét: Ông Luân là một công dân gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; giỏi làm kinh tế, lại rất cởi mở, giúp đỡ hàng xóm láng giềng cùng phát triển kinh tế gia đình. Bà con ở đây ai cũng nể phục và quý mến ông.
Đã bước sang tuổi 64, nhưng hàng ngày, ông vẫn lên vườn, chăm sóc chăm sóc các loại cây trồng và đàn gia súc. Trong ông, tinh thần thanh niên xung phong vẫn cháy mãi.
Thu Hằng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!