Hình thành văn hóa đọc trong học sinh tiểu học, trung học cơ sở

Nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã đã tích cực triển khai xây dựng các thư viện ngoài trời trong các nhà trường, nhằm rèn luyện kỹ năng đọc và hình thành văn hóa đọc cho học sinh, góp phần xây dựng các trường học đạt chuẩn quốc gia.

 

Học sinh Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Ty đọc sách, báo tại thư viện ngoài trời.

Qua trao đổi với ông Đỗ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, được biết: Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường tiểu học, THCS trên địa bàn triển khai thực hiện đồng bộ công tác thư viện trường học; tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, tăng cường xã hội hóa đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, sách báo; phát triển thư viện ngoài trời. Đến hết học kỳ I, năm học 2017-2018, toàn huyện có 44/51 trường tiểu học, THCS có thư viện (trong đó, 31 đạt thư viện tiên tiến, với 206.114 bản sách giáo khoa, 35.188 bản sách tham khảo, 15.652 bản sách nghiệp vụ, 34.637 bản sách thiếu nhi, 3.229 bản báo và tạp chí ngành, 2.309 bản báo và tạp chí chuyên môn, 25.382 bản các loại báo và tạp chí khác) phục vụ công tác giảng dạy và học tập.

Để các em có không gian thoáng mát, thoải mái và thân thiện khi đọc sách, từ năm học 2015 - 2016, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường xây dựng thư viện ngoài trời, công viên mi ni; trang trí bằng nhiều màu sắc, hình ảnh; chuẩn bị đa dạng các loại sách. Trong học kỳ I, các thư viện đã đón 120.297 lượt bạn đọc (giáo viên 18.643 lượt, học sinh 101.654 lượt), góp phần vào hoàn thành 30 trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn huyện.

Có mặt tại phòng sách của Thư viện Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Ty, chúng tôi thấy các loại sách được cán bộ phụ trách thư viện sắp xếp ngay ngắn, theo từng thể loại, chủ đề, tranh ảnh tạo cho bạn đọc dễ nhìn, dễ tìm, nhất là các em học sinh lớp 1. Thư viện ngoài trời của nhà trường được trang trí nhiều họa tiết rất bắt mắt. Vào mỗi giờ ra chơi, rất nhiều học sinh tới đây mượn sách để đọc. Qua kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo hồi đầu tháng 1 đã đánh giá và công nhận thư viện của nhà trường đạt xuất sắc.

Còn tại thư viện Trường THCS Nà Nghịu, không chỉ các em học sinh đến đọc sách mà cán bộ giáo viên cũng đến mượn tài liệu phục vụ nghiên cứu giảng dạy rất đông. Cô giáo Hoàng Thị Duy Hỏa cho hay: Là giáo viên dạy môn ngữ văn nên ngoài các giáo trình, tôi thường xuyên đến thư viện mượn sách. Qua đọc, nghiên cứu, tôi đã tích lũy thêm nhiều kiến thức, định hình phương pháp giảng dạy thích hợp, giúp các em tiếp thu nhanh và hiểu ngay bài trên lớp.

Cô giáo Lường Thị Gấm, cán bộ phụ trách thư viện Trường PTDT bán trú THCS Huổi Một cho biết: Để thu hút bạn đọc, Thư viện đã tổ chức giới thiệu sách mới; tư vấn để các em học sinh lựa chọn đọc ấn phẩm mới, tiêu biểu, phù hợp; duy trì tổ cộng tác hoạt động thư viện. Trong học kỳ I, Thư viện đã thu hút hơn 1.000 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách.

Trước thời đại công nghệ số, để các em học sinh thích thú với việc đọc sách cũng như xây dựng văn hóa đọc, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường các hoạt động đọc sách kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi, các cuộc thi; kết hợp hai hình thức thư viện truyền thống và thư viện ngoài trời; thành lập tổ chuyên gia về công tác thư viện, triển khai nghiên cứu, tiến tới áp dụng linh hoạt, hiệu quả hình thức thư viện điện tử tại một số đơn vị trường thuận lợi; huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm tăng cường sách, thiết bị có chất lượng phục vụ thư viện với phương châm sách tốt, thư viện khang trang, nhân viên thân thiện, năng động...; tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của văn hóa đọc tại các đơn vị trường học, từ đó, gắn kết các em học sinh với việc đọc sách, tìm kiếm tư liệu phong phú, phục vụ học tập, giải trí, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng, có nhiều niềm vui, hứng thú mỗi khi đến trường.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới