Gia đình ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong là một trong những người tiên phong trên địa bàn huyện Sông Mã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các loại cây ăn quả. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông Phúc đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Danh Phúc kiểm tra hệ thống tưới nhỏ giọt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Danh Phúc cho biết: Trước đây, gia đình tôi phải thuê nhân công hàng ngày để tưới cây, không chỉ mất tiền công mà còn lãng phí nước rất nhiều. Để tưới 1 ha cây ăn quả thì hai người phải làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ và mất khoảng 30 m3 nước, tiêu tốn 20 kW điện, chi phí tưới cây khoảng 1 triệu đồng/ha/ngày. Gia đình tôi có 3,5 ha cây ăn quả, thực hiện tưới xoay vòng, mỗi tháng hết ngót 35 triệu đồng chi phí tiền tưới cây, chưa kể vật tư, phân bón. Năm 2018, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với mức đối ứng 20 triệu đồng/ha (tức là Trung tâm hỗ trợ 20 triệu đồng và hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt, vận hành, còn gia đình bỏ ra 20 triệu đồng), với tổng đầu tư 40 triệu đồng/ha lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Ngoài ra, tôi còn lắp thêm các đường ống dẫn, vòi tưới đến tận các gốc cây, vì vậy, giá thành đã lên tới 60 triệu đồng/ha.
Tìm hiểu được biết thêm, hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình ông Phúc được thiết kế gồm máy bơm 3 pha, các đường ống nhựa cứng PVC và nguồn nước từ giếng khoan hoặc bể chứa từ trên cao. Nước bơm được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và đường ống nhánh. Sau gần hai năm áp dụng, hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng cho thấy có nhiều ưu điểm, không những giảm công lao động, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ mà còn giảm được lượng nước tưới rất nhiều, không bị lãng phí, giúp đất ẩm, tơi xốp và giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Theo ông Phúc, từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm được 80% khối lượng nước so với cách tưới truyền thống và giảm được 90% sức lao động. Mặt khác, hệ thống tưới nhỏ giọt không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế dịch bệnh, cây cối quanh năm tươi tốt, phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt. So với những năm trước, các loại cây ăn quả được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất, chất lượng cao hơn, quả to, đều, mã đẹp, cùi dày, múi mọng nước, ngọt và thơm hơn, nên vườn cây ăn quả của gia đình ông Phúc được nhiều người biết đến, nhiều thương lái đến đặt hàng và xuất bán cho các cửa hàng bán hoa quả lớn tại thành phố Hà Nội và các hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, VinMart... Cũng từ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, diện tích nhãn chín sớm của HTX đạt năng suất từ 18 tấn đến 20 tấn/ha, giá bán lúc nào cũng cao hơn so với những hộ dân khác. Đầu vụ, bán từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg, thậm chí có lúc giá lên tới 90 nghìn đồng/kg, còn giữa vụ giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, vụ nhãn vừa qua, gia đình ông thu khoảng 4 tỷ đồng.
Chia tay ông Phúc bên khu đồi đã được phủ kín những hàng cam, bưởi trĩu quả, chúng tôi hiểu, để có sự thành công, thì ngoài sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, người nông dân rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn giúp họ tiếp cận, ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, làm thay đổi tập quán sản xuất từ quảng canh, phân tán, sang thâm canh có trọng điểm, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong việc thích ứng biến đổi khí hậu... Từ hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt của gia đình ông Nguyễn Danh Phúc, thời gian tới sẽ nhân rộng ra các hộ thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!