Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn ở Sông Mã

Nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán từ sản xuất rau truyền thống, sang sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP cung ứng cho thị trường đang được Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đặc biệt chú trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng đến hình thành từng vùng chuyên canh rau xanh an toàn.

Mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP

của gia đình anh Lò Văn Nhiệm, bản Búa, xã Chiềng Khoong (Sông Mã).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Sông Mã có 3 mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được xây dựng từ tháng 12/2016, có diện tích 500 m2/mô hình tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu; trồng chủ yếu các loại bắp cải, xà lách, hành, cà chua, dưa chuột, dưa lê, dưa lưới vàng... Để duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình, Trạm Khuyến nông huyện cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ thực hiện xây dựng hệ thống điện, hệ thống nước tưới, bể sơ chế rau tại nơi sản xuất, bể chứa rác thải vật tư nông nghiệp, nhà kho chứa vật tư, vật liệu và hệ thống nhà lưới sản xuất, nhà sơ chế và đóng gói sản phẩm, làm hàng rào bảo vệ đến các khâu cải tạo đất trồng rau, chăm sóc, thu hoạch...

Theo bà Đinh Thị Hảo, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, năng suất và chất lượng trồng rau trong nhà lưới khác hẳn rau trồng theo phương thức truyền thống, bởi hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu; rau, củ, quả được bón phân hữu cơ vi sinh có nguồn gốc sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và không gây hại môi trường. Đặc biệt, rau trong nhà lưới có thể trồng quanh năm, người sản xuất có thu nhập thường xuyên và cao hơn. Ưu điểm của trồng rau trong nhà lưới là nước thất thoát ít, độ ẩm đất cao, lượng phân bón được tận dụng triệt để và hạn chế sâu bệnh gây hại rau nên rau sinh trưởng nhanh hơn. Hơn nữa, hệ thống tưới sẽ giúp tiết kiệm thời gian chăm sóc, không mất nhiều công sức để tưới nước cho rau, vì nhà lưới được thiết kế hệ thống tưới bán tự động bằng vòi phun quay, nhờ vậy, rau được tưới đều khắp và đúng quy trình kỹ thuật cho từng giai đoạn phát triển.

Chúng tôi tới gia đình anh Lò Văn Nhiệm, ở bản Búa, xã Chiềng Khương. Mô hình của nhà anh gồm một nhà lưới rộng khoảng 500 m2, có đầy đủ điện, bể nước, hệ thống phun tưới nước... Anh Nhiệm chia sẻ: Được hướng dẫn, thực hiện đầy đủ các kỹ thuật nên trồng rau trong nhà lưới có năng suất, chất lượng đạt cao, giá bán cũng cao hơn hẳn với trồng rau truyền thống. Một lứa rau bắp cải, dưa chuột từ 30 - 40 ngày đã cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 12 triệu đồng. Từ khi trồng rau theo mô hình VietGAP đến nay, gia đình tôi thu lãi trên 35 triệu đồng từ các loại rau, củ, quả. Theo tính toán, với nhà lưới 500 m2, đầu tư ban đầu gần 80 triệu đồng thì chỉ cần 1 năm sẽ thu hồi đủ vốn, trong khi đó, hệ thống nhà lưới có thể còn sử dụng được từ 7 - 10 năm.

Việc xây dựng thành công các mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện đã đạt hiệu quả bước đầu tích cực, tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và thị trường, mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho người lao động. Quan trọng hơn là từng bước xây dựng thương hiệu rau, quả an toàn của địa phương. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất rau an toàn của huyện hiện chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ và thử nghiệm; diện tích đất dành cho sản xuất rau an toàn còn nhỏ lẻ nên công tác quy hoạch, quản lý giám sát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn; chi phí đầu tư ban đầu cao nên nhiều hộ nông dân chưa chủ động mở rộng mô hình...

Được biết, năm 2017, Sông Mã sẽ mở 2 gian hàng quảng bá và bán những sản phẩm rau an toàn theo hướng VietGAP, đây cũng là cơ sở để huyện nhân rộng mô hình trồng rau an toàn VietGAP trên địa bàn các xã trọng điểm, xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khẳng định thương hiệu nông sản của huyện.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới