Gian nan xóa nghèo ở Pú Bẩu

Theo lời giới thiệu của đồng chí Chánh Văn phòng UBND huyện, chúng tôi quyết định đến Pú Bẩu - xã xa nhất và còn nhiều khó khăn nhất của huyện Sông Mã.

 

Anh Sùng Bả Vự (mặc áo len), bản Pá Lâu, xã Pú Bẩu (Sông Mã) chăm sóc đàn bò.

Sau hơn 2 tiếng di chuyển bằng xe máy, đi qua các xã Nà Nghịu, Mường Lầm, Chiềng En, Đứa Mòn, chúng tôi đặt chân đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã Pú Bẩu. Thông tin từ anh Vừ A Sỹ, Chủ tịch UBND xã: Cả xã có 9 bản, 3 dân tộc Mông, Thái, Kinh, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất cây trồng trên nương; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều; tất cả các tuyến đường nội bản đều là đường đất; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế như trồng cây ăn quả, thâm canh ngô chưa đạt; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 72,5%.

Chính bởi thế, hằng năm, các hộ nghèo ở đây vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi; họ cũng thường xuyên được định hướng, hướng dẫn cách làm kinh tế, nhưng do trình độ còn hạn chế, việc tiếp thu kiến thức mới để áp dụng vào sản xuất chưa được bao nhiêu, sản phẩm nông nghiệp vẫn là tự cung tự cấp, đó là chưa kể một bộ phận còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Để tìm hiểu sâu hơn đời sống của người dân, chúng tôi theo anh Vừ A Của, Phó Bí thư Đoàn xã đến bản Pá Lâu. Trên đường đi, anh Của nói: Hầu hết các tuyến đường nội bản vẫn là đường đất, nên việc trao đổi hàng hóa rất hạn chế. Diện tích đất sản xuất ở đây đã ít lại bạc màu, nên năng suất cũng không cao. Chúng tôi tới nhà anh Sùng Bả Chua, Trưởng bản Pá Lâu. Ngồi chờ khá lâu vì anh đi làm nương, mãi gần trưa, anh mới về. Lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Chua nói: Đang mùa thu hoạch ngô nên ít có người ở nhà. Năm nay, lại thất thu, mỗi hecta chỉ được 2 - 3 tấn thôi;  giá ngô cũng thấp lắm. Cả bản này chỉ có 60 ha đất sản xuất nên nhiều nhà sang mấy xã giáp ranh huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) để thuê đất canh tác. Pá Lâu rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường giao thông, hướng dẫn cách làm ăn, cho vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Qua thực tế, chúng tôi biết thêm, tỷ lệ hộ nghèo cao không chỉ do đất sản xuất bạc màu, mà còn do trình độ dân trí. Pá Lâu chỉ có mỗi hộ anh Sùng Bả Vự vay 15 triệu đồng từ Hội Nông dân xã từ năm 2013 mua một đôi bò sinh sản, bây giờ thành 9 con rồi, được coi là biết làm ăn. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Bản Pá Pao, bên cạnh bản Pá Lâu, cũng không khả quan lắm, 53 hộ, thì 38 hộ nghèo, 24 hộ sinh con thứ 3 trở lên. Trưởng bản Thào Chự Dua bảo, mỗi nhân khẩu trong bản được chia 1.000 m2 đất sản xuất, thu nhập chủ yếu vẫn là ngô và lúa; do nhận thức nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi hạn chế. Tâm lý sinh nhiều con để có người làm nương rãy khá phổ biến trong bản. Ngay như cặp vợ chồng anh Giàng Bả Thọ - chị Vừ Thị Dợ, nếu không được giới thiệu trước, không thể nghĩ họ mới 35 tuổi mà đã có tới 5 đứa con.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, cấp ủy, chính quyền xã Pú Bẩu đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây ăn quả như: xoài, sơn tra, mận... xã đang tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất; duy trì và phát triển đàn vật nuôi, với 239 con trâu, 1.107 con bò, 1.259 con dê, 1.629 con lợn trên 2 tháng tuổi; vận động nhân dân trồng 40 ha cỏ, dự trữ rơm rạ để làm thức ăn cho vật nuôi trong những ngày giá rét.

Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Song để Pú Bẩu vượt khó, rất cần các cấp, ngành, các cơ quan chức năng quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và các dịch vụ thiết thực, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới