Ghi ở Cơ sở điều trị nghiện ma túy Sông Mã

Những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi đến Cơ sở điều trị nghiện ma túy huyện Sông Mã để tìm hiểu về hoạt động, đời sống của cán bộ, nhân viên và học viên ở đây.

 

Xưởng chế biến gỗ của Cơ sở điều trị nghiện ma túy huyện Sông Mã.

 

Nằm trên khu đồi rộng khoảng 3 ha, những dãy nhà xây công vụ, nhà ở học viên và xen lẫn những hàng cây xanh, những chậu cây cảnh tạo cảm giác khá yên bình và thân thiện. Sau cái bắt tay thân mật, ông Trần Hữu Phong, Phó Giám đốc Cơ sở, cởi mở: Cũng còn nhiều khó khăn lắm, nhưng được như thế này, đã là quá tốt rồi. Cơ sở hiện có 18 cán bộ, công nhân viên, quản lý 120 học viên. Là cơ sở đa chức năng, chúng tôi tiếp nhận, phân loại, tổ chức chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, tư vấn cho học viên cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện, điều trị hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện ma túy của huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Cơ sở đang thực hiện công tác điều trị các dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy theo quy định của pháp luật; tổ chức lao động trị liệu, lao động sản xuất, hướng nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm; giáo dục pháp luật, đạo đức, rèn luyện thể chất, phục hồi hành vi nhân cách...

Sau câu chuyện ban đầu, Phó Giám đốc Trần Hữu Phong dẫn chúng tôi đi thăm nhà ăn, nhà bếp, từng khu tăng gia. Tại khu bếp, dù chưa được xây dựng kiên cố, chỉ với những cây cột gỗ và những tấm tôn lợp, nhưng được sắp xếp ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, phân định rõ chỗ sơ chế, khu nấu ăn đảm bảo vệ sinh, thức ăn chín được che đậy cẩn thận. Khu tăng gia của Cơ sở được bố trí rất hợp lý, gồm chăn nuôi, vườn trồng rau, nơi trồng cỏ nuôi bò nhốt chuồng... Ở ao nuôi cá, do tận dụng tốt nguồn nước từ trên đồi cao chảy về, nên các ao nuôi cá lúc nào cũng đầy nước, nhìn rõ từng đàn cá trắm, chép, rô phi to nhỏ. Đến xưởng chế biến gỗ, các học viên đang chăm chỉ làm việc, với đôi tay khéo léo, các học viên đục đẽo từng đường nét, từng chi tiết của những nhà sàn mô phỏng, đồ gỗ mỹ nghệ... học viên Vũ Văn Khuyến chia sẻ: Em ở Sốp Cộp, nhẹ dạ nghe bạn bè rủ rê  hít thử hê-rô-in, nghiện lúc nào cũng không hay, rồi chơi bời, bỏ bê công việc, không kiếm ra tiền thì mang đồ đạc trong nhà đi bán để đi hít, bây giờ em ân hận lắm. Vào đây, hàng ngày được cán bộ động viên, chăm sóc, cho uống thuốc Methadone, em dần dần hồi phục và không còn nhớ đến hê-rô-in nữa. Hiện tại, em được bố trí làm công việc phù hợp, có nghề, sau này rời cơ sở, em sẽ tìm việc làm để xây dựng cuộc sống mới.

Phó Giám đốc Trần Hữu Phong cho biết thêm, từ năm 2017 đến nay, Cơ sở đã sản xuất được gần 20 tấn rau, củ, quả; 20 tấn thịt lợn hơi; 2 tấn cá; xuất bán 2 con bò thịt và gần 1 tấn ếch. Hằng tuần, Cơ sở duy trì cho học viên sinh hoạt tổ, đội; đón tiếp thân nhân học viên vào các chủ nhật. Thông qua việc thăm nuôi, trực tiếp tuyên truyền, tư vấn cho thân nhân học viên để cùng phối hợp, quản lý và giáo dục học viên. Đặc biệt, Cơ sở coi trọng công tác quản lý học viên bằng chia sẻ, gần gũi, nắm chắc  tâm tư, nguyện vọng của từng học viên, không phân biệt, đối xử, coi các học viên như người thân của mình, nên học viên yên tâm điều trị, tinh thần thoải mái, tự tin tham gia lao động và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Do vậy, năm qua, không có học viên nào bỏ trốn, tất cả  đều được điều trị cắt cơn theo đúng phác đồ, không xảy ra tai biến; nhiều học viên đã trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng đúng thời gian quy định.

Rời Cơ sở trong nắng chiều dịu mát, chúng tôi yên tâm hơn với cách làm và phương pháp quản lý học viên của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây, họ đã và đang góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới