Huyện Sông Mã có trên 6.000 ha đất trồng nhãn, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Sơ và thị trấn Sông Mã, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Những năm qua, bên cạnh việc xuất bán sản phẩm nhãn quả, người dân còn chế biến thành long nhãn - vị thuốc đông y có lợi cho sức khỏe, làm tăng giá trị của sản phẩm nhãn Sông Mã.
Nông dân bản Púa, xã Chiềng Khương (Sông Mã) sơ chế sản phẩm long nhãn.
Vào đầu những năm 60 của thế kỉ XX, theo lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi Tây Bắc, hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội (Hà Tây cũ) đã lên xây dựng quê mới tại Sơn La. Trong đó, Sông Mã là một trong những địa phương được người Hưng Yên lựa chọn làm quê hương thứ hai. Khi rời quê hương, hầu như hộ nào cũng mang theo cây nhãn lồng Hưng Yên để trồng quanh nhà tại nơi ở mới để phục vụ nhu cầu của gia đình và cũng là để nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Trải qua năm tháng, nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, vì vậy, người dân đã ươm cây giống để mở rộng diện tích trồng nhãn. Đến nay, Sông Mã là một trong những vùng trồng nhãn lớn của miền Bắc và đã được cấp chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nhãn Sông Mã đã tạo được thương hiệu, có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, do người dân chưa quen với việc phân loại, đóng gói bao bì sản phẩm nhãn để bảo quản, cùng với đó, cũng chưa có nơi sơ chế, nên sau thu hoạch, người dân chủ yếu đưa sản phẩm nhãn về nhà, quả nhãn thu hoạch chỉ để được một đến hai ngày là quả nhãn bị héo và mất nước. Điều này không chỉ làm giảm mẫu mã của sản phẩm mà chất lượng quả nhãn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chuyên môn của huyện Sông Mã đã hỗ trợ người dân và hợp tác xã phương pháp thu hoạch, đóng gói sản phẩm, đảm bảo chất lượng quả nhãn trước khi đưa đi tiêu thụ.
Vụ thu hoạch nhãn vừa qua, chúng tôi đã có dịp ngược dòng sông Mã để tìm hiểu nghề làm long nhãn. Qua trao đổi với người dân địa phương, được biết, bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong được coi là cái nôi của nghề chế biến long nhãn Sông Mã. Người dân nơi đây cho biết, thường vào giữa mùa nhãn, bản có 60 hộ tham gia chế biến long nhãn, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tính trung bình, mỗi vụ nhãn, người dân xã Chiềng Khoong chế biến được khoảng 100 tấn long nhãn, với giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg long nhãn, mang lại doanh thu khá ổn định cho người dân trồng nhãn.
Được biết, cách làm long nhãn không quá phức tạp, quả tươi sau khi thu hoạch sẽ được dùng dụng cụ bút xoáy nhãn hay một số dụng cụ tự chế khác của người dân để “xoáy” lấy cùi và loại bỏ hạt, vỏ. Những cùi long nhãn tươi được xếp vào phên hoặc sàng đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt. Sau 12 đến 16 giờ đồng hồ, tùy theo nhiệt độ cao, thấp, long nhãn khô có màu vàng đặc trưng được đưa ra khỏi lò. Sản phẩm long nhãn ra lò có độ ẩm từ 15 - 20%, khi sờ có cảm giác hơi khô tay, là sản phẩm long nhãn đã đạt chất lượng. Long nhãn là sản phẩm có nhiều chất dinh dưỡng gồm: Protein, carbonhydrate, Vitamin PP, flavoprotein... có tác dụng chống lão hóa; giúp cho quá trình tuần hoàn máu trở nên tốt hơn và chống suy nhược cơ thể. Ngoài ra, kết hợp long nhãn Sông Mã với 1 số vị thuốc khác sẽ có tác dụng chữa các bệnh: Chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp, mất ngủ, hay quên, kém ăn, mệt mỏi, thiếu máu, trẻ ra nhiều mồ hôi... Để bảo quản long nhãn trong thời gian dài, long nhãn sau khi chế biến phải được bọc kín bằng túi ni lon, tránh tiếp xúc với không khí để không bị nấm, mốc. Tại Sông Mã, hiện có có 34 HTX nông nghiệp trồng nhãn, ngoài sản phẩm chính là quả nhãn tươi, hầu hết các HTX này đều sản xuất long nhãn để tăng thêm thu nhập cho các thành viên, tiêu biểu như: HTX dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tuấn; HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh và HTX dịch vụ nông nghiệp Phúc Vinh...
Lâu nay, nghề làm long nhãn ở Sông Mã đã trở thành nghề thời vụ, không chỉ tạo thu nhập cho chủ gia đình chế biến long nhãn, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập. Dù việc chế biến long nhãn bằng phương pháp thủ công, giá trị kinh tế thấp hơn so với phương pháp công nghiệp, nhưng mang lại chất lượng long nhãn của Sông Mã cao hơn so với long nhãn của các tỉnh khác, mang lại nhiều giá trị cho người sử dụng, làm nên một đặc sản có tiếng của huyện Sông Mã.
Để sản phẩm long nhãn đạt chất lượng tốt hơn, huyện Sông Mã đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm long nhãn Sông Mã cùng với quả tươi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn thông qua việc hỗ trợ công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và việc đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn của các HTX. Qua đó, đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!