Những năm gần đây, kinh tế hộ ở xã Chiềng Khoong (Sông Mã) phát triển khá rõ nét với nhiều ngành nghề thương mại, dịch vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đặc biệt, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả các loại trên đất dốc, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình.
Mô hình trồng cây ăn quả của nông dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã).
Để định hướng trong việc phát triển kinh tế hộ, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua sản xuất, kinh doanh, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất; tạo điều kiện để các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn ghép, xoài lai, bưởi Diễn, cam Canh, quýt, táo...
Theo thống kê, Chiềng Khoong hiện có hơn 400 hộ trồng nhãn tập trung, nhiều nhất tại các bản: Liên Phương, Hải Sơn I, II, Hoàng Mã, C5, Tân Hưng, Hồng Nam..., thu nhập bình quân 300 triệu - 350 triệu đồng/năm, có 30 hộ thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập trên 1,5 tỷ đồng nhờ áp dụng các kỹ thuật lai tạo vừa cho năng suất cao, vừa điều chỉnh được thời gian, cho thu hoạch đúng thời điểm, như hộ các ông: Lê Danh Phúc (bản C5), Nguyễn Văn Hùng (bản Liên Phương), Đặng Văn Thửa, Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Dũng (bản Hải Sơn I)...
Tìm hiểu thêm về các hộ phát triển kinh tế, chúng tôi cùng cán bộ xã đến gia đình anh Lê Danh Phúc ở bản C5, hộ trồng gần 3 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, mỗi năm thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Anh Phúc chia sẻ: Ngoài việc chọn các loại cây trồng phù hợp đất đai, khí hậu, còn phải tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, lai ghép giống, các biện pháp chăm sóc như cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, thì cây mới cho năng suất, chất lượng cao. Tôi dự định mở rộng diện tích, trồng thêm các loại cây ăn quả trái vụ.
Ông Lò Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong đánh giá: Để có được thành quả này là sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, dám nghĩ dám làm của người dân, xác định đúng hướng phát triển kinh tế. Quan trọng là tìm được đầu ra cho các sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, là các chính sách ưu đãi hỗ trợ người dân về vốn, giống cây trồng, vật nuôi..., tạo mối liên kết chặt chẽ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài phát triển cây ăn quả, Chiềng Khoong đang tập trung xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm như: trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, nuôi thả cá... cung cấp thực phẩm cho thị trường, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!