Cây bưởi Diễn “bén duyên” vùng đất biên cương

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp về lại vùng đất Sông Mã, mảnh đất biên cương của Tổ quốc tìm hiểu về cây bưởi Diễn, một loại cây trồng mới đã bén duyên với vùng đất này, giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu...

 

Vườn bưởi Diễn của gia đình anh Lê Danh Phúc, xã Chiềng Khoong (Sông Mã).

Cùng với cây nhãn, cây bưởi Diễn hiện đang được nhiều người dân huyện Sông Mã quan tâm, bởi cây dễ trồng, có thể trồng chuyên canh hoặc xen với những loại cây ăn quả khác. Nhưng để trồng và mang lại hiệu quả kinh tế thì đòi hỏi người nông dân phải cần cù, chịu khó tìm hiểu và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật. Nói về triển vọng của cây bưởi Diễn trên địa bàn Sông Mã, ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho hay: Thực tế, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Diễn cao hơn nhiều so với nhiều cây trồng khác, nên khi chủ trương của huyện đưa cây bưởi Diễn vào trồng thay thế những cây trồng khác kém hiệu quả trên diện tích đất đồi, dốc, thì đã được nhiều người dân nơi đây đồng tình và ủng hộ. Vì vậy, mô hình trồng bưởi Diễn đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới của địa phương. Huyện đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích để trồng, với chính sách hỗ trợ phù hợp (10 triệu đồng/ha theo Nghị quyết 76 của HĐND tỉnh). Huyện đã quy hoạch trồng thí điểm tập trung ở các xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Nà nghịu, Huổi Một với trên 200 hộ trồng, diện tích 150 ha. Dự kiến, sẽ tiếp tục quy hoạch trồng mới 50 ha còn lại, tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo người dân địa phương không nên trồng ồ ạt, tập trung chăm sóc diện tích hiện có, để tránh việc không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Theo giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong, một điển hình trồng loại cây này. Qua con đường đất gồ ghề, trơn trượt, chúng tôi đến khu vườn của gia đình anh, trong lúc cả gia đình đang chăm bón cho vườn cây trái. Với tính tình thân thiện của anh nông dân, quanh năm gắn bó với đồng đất thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi rộng chừng 3,5 ha trồng đủ loại từ bưởi Diễn tới nhãn, quýt, cam, táo. Ở đây, cây nào cũng sai trĩu quả kể cả những cây trái vụ, vừa đi anh vừa giới thiệu về từng loại cây do chính anh đem về lai ghép, chăm sóc.

Khi được hỏi về hành trình đưa cây bưởi Diễn về mảnh đất này, anh Phúc bảo: Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi cây trồng, 6 - 7 năm trước, gia đình đã mạnh dạn đưa giống bưởi Diễn từ làng Diễn, huyện Từ Liêm nay là quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) về lai ghép với giống bưởi của địa phương. Sau hai năm chăm sóc, những cây bưởi Diễn đầu tiên của gia đình tôi đã phát triển tốt, rồi đơm hoa, kết trái đều đặn. Cũng theo anh Phúc, cây bưởi Diễn rất dễ thích nghi điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, chỉ cần chăm sóc thật tốt, chú ý không để cây bị nhiễm các loại sâu: đục thân, cuốn lá, đục quả. Thêm nữa, nếu đất quá tốt hay bón phân quá nhiều, bưởi sẽ chỉ tốt lá và cho ít quả, chất lượng lại không ngon. Vì vậy, sau hai năm đầu chăm sóc, bước sang năm thứ ba khi bưởi đã trổ hoa và kết quả thì những loại phân thường bón như NPK, phân chuồng, mùn rơm nên giảm dần... Anh tiết lộ: Gia đình hiện có gần 1.000 cây bưởi Diễn, tạm tính mỗi cây có 70 - 80 quả, dịp Tết này, các thương lái đến mua tại vườn, với giá trung bình 30.000 đồng/quả, thì mùa bưởi năm nay gia đình tôi cũng thu về trên 1,5 tỷ đồng. Ngôi nhà 3 tầng, rộng gần 300 m² kia cũng xây từ bưởi, nhãn và các loại cây ăn quả đấy.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đến thăm vườn bưởi Diễn của gia đình chị Dương Thị Hường, ở  bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu khi trời chiều buông nắng nhẹ. Từng tốp nông dân làm thuê đang lúi húi treo những túi ni lông từ gốc lên tới gần ngọn các cây bưởi Diễn trên đồi. Hỏi ra mới biết đây là loại túi chuyên bọc để quả tránh bị sâu bệnh, đến khi thu hoạch màu quả lại đẹp hơn, dễ bán. Chị Hường vui mừng kể: Năm 2013, gia đình tôi nhờ người họ hàng mua giúp cây giống chính gốc bưởi Diễn để đem về lai ghép. Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm nên vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người trồng trước, thật may mắn, trái ngọt đã bù đắp cho những vất vả của vợ chồng tôi, với gần 100 gốc bưởi Diễn cho quả sai, cứ năm sau năng suất, chất lượng bưởi cao hơn năm trước. Bưởi có màu vàng sẫm, căng mọng, múi bưởi to đều, vị ngọt thanh, nên từ khi được thu hoạch đến giờ chẳng khi nào phải mang ra chợ bán, chủ yếu là các thương lái đến tận nơi đặt mua. Trung bình mỗi cây 100 quả, với giá 30 nghìn đồng/quả, thu nhập cũng khoảng 300 triệu đồng/năm. Chị cho biết thêm: Trồng bưởi Diễn quan trọng nhất là khâu chăm sóc, chỉ cần chăm sóc chu đáo, thường xuyên tưới ẩm để giữ độ ẩm vào mùa khô, cắt tỉa cành tạo tán cho cây thông thoáng, chú ý sâu bệnh nhất là sâu đục thân và bón phân định kỳ cho cây trồng là cho thu hoạch khá.

Chủ trương đưa bưởi Diễn vào trồng trên đất dốc ở vùng đất biên cương là hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng của huyện Sông Mã. Cây bưởi Diễn không chỉ “bén duyên” nơi đất mới, mà sẽ lan tỏa, phát triển để cùng người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới