Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm, các em có thời gian học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể, phụ huynh yên tâm khi cho con em đi học xa nhà... Đó là những kết quả trong việc triển khai thực hiện nấu ăn bán trú cho học sinh ở huyện vùng biên Sông Mã.
Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Pú Bẩu (Sông Mã).
Theo ông Nguyễn Chí Chung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào huyện, tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú được triển khai từ năm học 2012-2013. Đây là một chủ trương đúng, trúng nên Sông Mã hiện có 32 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho 4.753 học sinh, trong đó 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, 24 trường phổ thông có học sinh bán trú. Tất cả các trường tổ chức nấu ăn đều được mua sắm đầy đủ dụng cụ nhà bếp, xây dựng nội quy bán trú; thường xuyên kiểm tra cấp phát hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, chi trả chế độ cho học sinh diện chính sách... Trong năm học 2016-2017, huyện đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân và giáo viên đóng góp hơn 17 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 121 phòng học, 108 phòng ở bán trú và phòng công vụ giáo viên, 15 nhà bếp, 5 nhà ăn.
Trong công tác quản lý, tổ chức dạy và học, các trường thực hiện phân công nhiệm vụ theo dõi, quản lý học sinh bán trú; công khai, minh bạch về tài chính; duy trì nền nếp sinh hoạt; học sinh bán trú được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học tập nhóm, thể dục thể thao... Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức cho học sinh bán trú tham gia trồng rau xanh, nuôi gà, lợn... cải thiện bữa ăn, rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự lập cho mỗi học sinh.
Có mặt tại trường Tiểu học Pú Bẩu, xã Pú Bẩu mới thấy hết được niềm vui của các em học sinh. Là xã đặc biệt khó khăn nên phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc học tập của con em, nhưng được tuyên truyền vận động, lại có chủ trương nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm mạnh, chất lượng học tập của các em dần được nâng cao. Thầy giáo Thào Bả Công, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pú Bẩu, chia sẻ: Năm học 2017-2018, trường có 373 học sinh, trong đó 70 em được ăn, ở bán trú tại trường. Nhà trường luôn xác định việc thực hiện mô hình bán trú là cơ sở để duy trì sĩ số, các em học sinh tích cực học tập. Đặc biệt, khi ở bán trú vào mỗi buổi tối các em còn tập trung trên lớp để ôn tập bài dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, cô giáo bộ môn. Riêng năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh đạt năng lực 94%, phẩm chất 98%.
Em Giàng A Kinh, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Pú Bẩu tâm sự. Nhà em cách trường 10 km, nên khi được ở bán trú em rất vui. Ở lại trường em còn được chơi cùng các bạn rất là vui, ăn uống đảm bảo, em có nhiều thời gian hơn để học tập. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành bác sỹ, để khám chữa bệnh cho bà con.
Tuy nhiên, công tác nấu ăn bán trú cũng gặp một số khó khăn, đó là công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện một số trường còn lúng túng, chưa tận dụng, khai thác triệt để sự ủng hộ của cộng đồng; hợp đồng nhân viên nấu ăn, bảo vệ, y tế tại các trường gặp khó khăn do liên quan đến những biến động về sỹ số học sinh... Để làm tốt công tác nấu ăn bán trú thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đang tiếp tục phát huy trách nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú; thực hiện tốt việc dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh; tăng cường kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự trong nhà trường.
Có thể nói, sau nhiều năm thực hiện nấu ăn cho học sinh bán trú đã làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa đỡ vất vả, có đủ sức khỏe để yên tâm học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!